Cô giáo Nguyễn Thị Hà hiện là giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên). Ngôi trường của cô có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, các em đến từ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà. Đa số các học sinh của cô đều có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, mồ côi, nhiều em thiếu ăn, thiếu mặc.
Cô Hà chia sẻ tại chương trình Thay lời tri ân năm 2022.
Nhiều năm liền cô được nhà trường phân công đi tuyển sinh ở các bản vùng sâu vùng xa như Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ. Qua đó, cô chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời vô cùng éo le mà nếu không có sự hỗ trợ thì cuộc đời của các em sẽ rẽ sang ngã rẽ khác, không có tương lai.
Một trong những học sinh được cô Hà giúp đỡ là em Vàng Thị Si (ở xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông). Bố mẹ Si đông con, gia đình thuộc hộ nghèo nên em đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Với sự hỗ trợ của cô Hà, Si đã được tiếp tục đến trường và hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Giót.
"Tôi mong rằng, những học sinh mình đỡ đầu sẽ trưởng thành và sau này có công việc ổn định để về giúp bản làng, quê hương. Truyền được cảm hứng cho các em học sinh khoá sau là tôi hạnh phúc lắm rồi", cô chia sẻ.
Trường hợp khác là em Lường Thị Nhân, bị bệnh tan máu bẩm sinh và lách to, bác sĩ chẩn đoán sự sống của em khó có thể kéo dài. Bố của Nhân cũng bị bệnh tim, gia đình cực kỳ khó khăn.
Cô Hà đã mang cho Nhân và gia đình những tia hy vọng. Hiện Nhân đã được cắt bỏ khối lách to nhưng căn bệnh tan máu bẩm sinh của em thì không thể khỏi. Trước mắt cô chỉ có thể đến thăm em hàng tháng với mong muốn những ngày tháng còn lại trong cuộc đời em được tươi vui, hạnh phúc.
Hoặc như em Vàng Thị Thuỷ ở xã Nà Tấu, bị khiếm thị bẩm sinh, dù đã được hỗ trợ đưa về Viện Mắt Trung ương nhưng đôi mắt của em vĩnh viễn không còn cơ hội nhìn thấy ánh sáng. "Giá như tôi biết đến em ấy sớm hơn, thì cuộc đời của em đã tươi đẹp hơn rất nhiều", cô Hà nói.
Cô Hà cho biết, sau mỗi đợt hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn lòng cô lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Và đây chính là động lực thôi thúc cô Hà trên hành trình nuôi em hàng tháng.
Cô Hà bật khóc khi chia sẻ câu chuyện về những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về rào cản lớn nhất khi giúp đỡ các em học sinh, cô Hà cho rằng trước hết với một nữ giáo viên, luôn bộn bề với công việc của nhà trường và gia đình, thì việc sắp sếp thời gian để có thể hoàn thành tốt cả công việc gia đình, nhà trường và xã hội rất khó.
Chính vì thế cô đã động viên cả chồng con, họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp cùng tham gia vào hành trình này. Bản thân cô phải cố gắng để tròn 4 vai: người vợ, người mẹ, cô giáo, cô nuôi.
Mặt khác theo cô Hà, càng gặp nhiều các hoàn cảnh khó khăn càng thúc đẩy cô tiếp tục hành trình hỗ trợ các em hàng tháng để các em có thể tiếp tục đến trường, yên tâm học tốt, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Xong có những lúc, cô cảm thấy mình bất lực khi không thể giúp đỡ được hết mọi hoàn cảnh hoặc giúp mà chưa thể trọn vẹn như mong ước của bản thân.