Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bài văn cách đây 26 năm và lời dặn của thầy giúp nữ giáo viên thay đổi cuộc đời

(VTC News) -

Bài tập làm văn đầu tiên của năm lớp 10 và những lời tâm sự từ thầy chủ nhiệm giúp cô gái Nguyễn Liên khi đó thay đổi suy nghĩ.

Video: Cô giáo Nguyễn Thị Liên chia sẻ câu chuyện về thầy chủ nhiệm

Cô Nguyễn Thị Liên hiện là giáo viên Ngữ văn trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị gây ấn tượng với dáng người nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp, truyền cảm. Ít ai biết thuở bé, cô từng khá nghịch ngợm, thường xuyên cãi lời mẹ.

Cô kể, năm 1996, lớp 10C3 của cô đông nhất trường THPT Đông Hà (Quảng Trị). Vì là lớp cuối cùng của ban C nên còn sót 64 học sinh, được nhà trường xếp chung lớp. Giáo viên chủ nhiệm là thầy giáo Hoàng Đức Vinh. Năm đó, thầy gần 60 tuổi.

Bài tập làm văn đầu tiên thầy dạy 64 học sinh rằng: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Khi đó, người suốt ngày cãi lời mẹ như Liên cảm thấy lúng túng, đỏ mặt khi thầy gọi đứng lên hỏi bài: “Liên, con cho thầy biết câu tục ngữ trên có ý nghĩa thế nào?”.

Mặc dù được các bạn bên cạnh trợ giúp, song cô học trò không nói nên lời. Thầy cho phép ngồi xuống nhưng Liên vẫn kiên quyết đứng tại chỗ, với suy nghĩ, khi nào trả lời được thì sẽ tự xin thầy. Và Liên đã đứng cả tiết ngày hôm đó. 

Khi thầy chuẩn bị bước ra khỏi cửa lớp, Liên vội vàng chạy lên, níu tay của thầy, lấy hết can đảm và nói: “Con xin lỗi thầy, thầy cho con trả lời câu hỏi hôm nay của thầy bằng một bài văn, được không thầy?”.

Bài văn đó, lần đầu tiên Liên viết tám mặt giấy. Trong đó, cô nữ sinh kể cho thầy nghe câu chuyện về một gia đình nghèo thuần nông, nhất là chuyện giữa Liên và mẹ. Sau bài văn đó, Liên không còn cãi lời của mẹ, những lúc buồn vui đều tâm sự với mẹ.

Hai ngày sau khi nhận bài văn của cô học trò, thầy giáo tìm đến nhà học trò. Câu nói của thầy khi đó vẫn in sâu trong tâm trí cô Liên đến tận hôm nay, sau 26 năm. 

“Thầy đọc đi đọc lại bài văn của em không biết bao nhiêu lần, và lần nào thầy cũng khóc. Thầy thực sự xúc động và cảm thấy biết ơn vì cho thầy nhiều bài học trong cuộc sống. Cô bé tuổi 15 nhưng có suy nghĩ của trưởng thành mang đến cho thầy bài học về chữ nhẫn. Em biết lắng nghe ý kiến của người khác để điều chỉnh bản thân, biết chịu khó và kiên trì đến cùng trong suy nghĩ và hành động, đã biết dằn lòng mình khi gặp chuyện khó chịu”, thầy Đức Vinh nói với cô học trò. 

Thầy giáo Hoàng Đức Vinh. (Ảnh: NVCC)

Từ đó, cứ mỗi lần đến tiết giảng văn của thầy, Liên đều háo hức mong đợi. Những bài giảng thu hút, những câu chuyện chia sẻ thú vị của thầy đã thổi lên ngọn lửa và niềm đam mê nghề giáo trong Liên.

Tiếp những năm tháng sau đó, thầy chính là người động viên giúp cô vượt qua 4 năm học đại học ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Thầy luôn ân cần đưa ra những lời khuyên và dõi theo từng mốc thành công trong sự nghiệp của cô học trò nhỏ năm nào. 

"Giữa bốn bề cuộc sống, có những lúc nặng nề nhưng tiếng nói, lời động viên của thầy đã giúp tôi vượt lên tất cả. 20 năm đi dạy, tôi vẫn nhớ mãi lời thầy dạy, rằng: "Thầy yêu thương con thế nào thì con phải yêu thương học trò của mình như thế", cô Liên nói.

Những kỷ niệm thân thương đã nuôi dưỡng cảm xúc để cô Liên viết tác phẩm "Ngày…tháng…năm…của thầy và tôi" để chia sẻ câu chuyện về người thầy chủ nhiệm. Tác phẩm giành được giải nhất trong cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2022” do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải nhất cho cô giáo Nguyễn Thị Liên. (Ảnh: Hoài Anh)

Trích một phần trong tác phẩm "Ngày…tháng…năm…của thầy và tôi" của cô giáo Nguyễn Thị Liên:

"Ngày…tháng…năm…

- Alo, con chào thầy. Thầy ơi, dạo này thầy và cô có khoẻ không ạ?

- Ừ, cô khoẻ con. Còn thầy…thầy mới bị tai biến con ạ. May, phát hiện và can thiệp kịp nên chừ thầy cũng ổn. Thầy mới ra viện tuần trước đây…

- Dạ, rứa à thầy. Thầy ơi, con nhớ thầy, thầy giữ gìn sức khoẻ, thầy nhé.

- Ừ, chừ thầy ăn mỗi bữa một bát cơm nhão và một bát canh rồi. Con đừng lo...Liên nhé…

Tôi lặng người, chào tạm biệt thầy mà lòng trĩu nặng. Những ngày…tháng …năm…trước, khi nào cũng vậy, vẫn là thầy lo lắng, vun vén cho cuộc sống của tôi.  Cho đến hôm nay, ngày…tháng…năm…thì vẫn là thầy, dù cận kề bệnh tật và tuổi tác, vẫn không để tôi băn khoăn, day dứt bất cứ điều gì.

Trời về khuya, mưa bắt đầu lất phất, không khí mát dịu, dãy đèn đường đã tắt, khoảng không gian trước mắt tôi đen lại. Tôi ngồi trước máy tính, lách cách gõ bàn phím. Công việc còn ngổn ngang, bộn bề và dang dở…Bất chợt, đâu đó vang lên lời bài hát “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy…”, ca từ và giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng chạm vào trong những thổn thức, sâu kín, đẹp đẽ và dịu dàng của tôi.

Hình ảnh người thầy -  người cha già năm xưa lại hiện về trong từng mảng, từng mảng của ký ức…mái tóc điểm màu muối tiêu, chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần tây nâu cũ cùng với cái mũ phớt đậm chất nghệ sĩ. Thầy tôi, ngày ấy…bây giờ… đã bước qua tuổi 86 và Ngày …tháng …năm…của thầy và tôi vẫn còn mãi". 

HOÀI ANH

Tin mới