Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rét kéo dài, thầy cô giáo vượt núi băng đèo vận động học sinh tới trường

(VTC News) -

Không khí lạnh kéo dài khiến học sinh khu vực miền núi tại tỉnh Quảng Bình không thể đi học, thầy cô phải dậy sớm, lặn lội vào bản vận động các em tới trường

5h, thời tiết nơi biên giới rét buốt, thầy giáo Đinh Tuyên Huấn, Trường Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa quấn thêm khăn quàng cổ, khoác chiếc áo ấm, lặn lội gần 10 cây số đường đèo để vào bản vận động học sinh đến trường.
Mấy ngày nay trời rét đậm, học sinh ngại rét không đến trường. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thầy Huấn cùng nhiều thầy, cô giáo khác đi vận động các em trở lại. Được một thời gian các em đến lớp đầy đủ, gặp đợt rét đậm này, nhiều học sinh lại nghỉ học. Thầy Đinh Tuyên Huấn tâm sự, quãng đường từ bản đến trường của học sinh vùng núi rất xa, trời thì rét, nhiều phụ huynh chưa muốn cho con đến trường.

Chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em trong thời tiết rét đậm ở miền núi Quảng Bình.

“Học sinh bỏ học một phần do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, có thể học sinh đau ốm, trời lạnh thế này các em cũng đễ đau ốm. Nhà trường và giáo viên tích cực hết sức để vận động các em đến trường, lập danh sách để theo dõi em nào chưa đến thì đi vận động, tuần nào cũng đi. Sáng sớm khoảng 5 giờ là giáo viên thức dậy đi xung quanh các bản gọi các em. Trời lạnh nhưng ai cũng cố gắng cả” - thầy Huấn nói.

Trời rét đậm kéo dài khiến anh Hồ Thân ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa rất lo lắng cho sức khỏe của 2 đứa con. Mỗi sáng, anh dậy sớm nấu xôi cho con ăn uống đầy đủ, mang thêm áo ấm cho trẻ rồi mới đưa đến trường học. Ở nhiều bản của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoá, nhiều gia đình vẫn giữ tục lệ “buộc tay đầu năm” và cho các em ở nhà, một số thì đưa con cái lên rừng hái đót, ảnh hưởng đến việc học hành.

Nhìn thấy các giáo viên sáng sớm trời rét vẫn lặn lội vào tận bản tìm học sinh, anh Hồ Thân rất chia sẻ với nỗi lo của họ: “Một vài cha mẹ học sinh do điều kiện khó khăn nên ít quan tâm, cha mẹ đi làm mà con cái ở nhà có lúc vắng học, hơn nữa trời lạnh thế này nhiều lúc các cháu nghỉ học”.

Nhiệt độ ở vùng núi, biên giới tỉnh Quảng Bình hạ thấp đột ngột, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người dân, học sinh.

Những ngày này, nhiệt độ ở miền núi tỉnh Quảng Bình giảm đột ngột xuống 8 độ C vào ban đêm và sáng sớm. Thầy giáo Cao Viết Hương, Hiệu trưởng Trường Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, trường có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ với gần 500 học sinh. Nhà trường tổ chức cho học sinh ở lại buổi trưa, ăn uống và nghỉ ngơi tại trường để buổi chiều tiếp tục học tập, có phương án phòng chống rét, bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Trường hợp nhà xa trường, đi lại khó khăn, nhà trường tạo điều kiện cho các em ở lại, ăn cơm ngày 3 bữa, phát thêm áo ấm để mặc chống rét.

Thầy giáo Cao Viết Hương lo lắng, 3 tuần nay, tỷ lệ học sinh vắng lên tới 15%: “Việc học sinh đi học chưa chuyên cần thì tất cả các bản trong xã đều có. Khi trong bản có 1-2 em nghỉ học thì các em khác cũng nghỉ theo, công tác vận động học sinh rất khó khăn, cũng do tính đặc thù. Năm nay ra Tết trời rét đậm thế này, giáo viên chủ nhiệm các lớp có học sinh thường xuyên bỏ học phải vào bản vận động hoặc nếu đi xe máy thì vào bản chở học sinh ra trường”.

Nhiệt độ thấp, học sinh miền núi nghỉ học nhiều

Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại; khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ, và cho nghỉ với tất cả các cấp học khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Các cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với các trường để theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đặc biệt là ở vùng núi, biên giới.

Ông Đinh Viễn Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời tiết rét đậm, y tế cơ sở cùng các địa phương quan tâm chăm sóc sức khỏe người già và trẻ em, phòng tránh các bệnh về hô hấp, đột quỵ, tim mạch khi nhiệt độ giảm sâu đột ngột. Ông Đinh Viễn Anh khuyến cáo gia đình phối hợp thường xuyên với nhà trường nhắc nhở các em mặc đủ ấm, không tổ chức các hoạt động ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại.

Trời rét đậm, học sinh vùng núi mặc ấm đến trường từ sớm.

 “Lứa tuổi học sinh, đặc biệt bậc tiểu học và mầm non, khi rét đậm, rét hại thế này rất dễ mắc các bệnh hô hấp. Chính vì vậy nên ngành Y tế phối hợp với các trường học quán triệt đến y tế học đường hướng dẫn phụ huynh giữ ấm cho trẻ, đến trường an toàn, phòng tránh những bệnh lý xảy ra trong đợt rét đậm rét hại này”- ông Anh nói.

Nguồn:

Tin mới