Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hầm sửa chữa, đi đường đèo vẫn phải trả phí BOT: Công ty Đèo Cả nói gì?

(VTC News) -

Công ty Hạ tầng Giao thông Đèo Cả vừa lên tiếng về việc đóng cửa hầm để sửa chữa khiến các phương tiện phải chạy đường đèo nhưng vẫn phải trả phí BOT.

Từ ngày 16/3, tuyến đường dẫn hầm Phước Tượng và mặt đường trong các hầm Phước Tượng và Phú Gia bắt đầu được sửa chữa, sau thời gian dài khai thác dẫn đến hư hỏng, xuống cấp. Để phục vụ cho việc thi công sửa chữa, Xí nghiệp quản lý, vận hành hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đóng một làn đường qua các hầm này.

Cụ thể, từ ngày 16/3 đến 9/4, các phương tiện lưu thông theo chiều từ Nam ra Bắc phải lưu thông theo tuyến đường đèo Phước Tượng. Từ ngày 9/4 đến 29/4, các phương tiện lưu thông theo chiều từ Nam ra Bắc phải lưu thông theo tuyến đường đèo Phú Gia.

Điều khiến cho nhiều tài xế, người dân có phương tiện ô tô lưu thông trên tuyến bức xúc là mặc dù xe cộ phải đi đường đèo nhưng khi qua Trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, các phương tiện vẫn phải đóng phí như đi qua đường hầm.

Hầm Phước Tượng được sửa chữa khiến nhiều phương tiện phải "leo đèo" nhưng vẫn phải trả phí BOT.

Cụ thể, các phương tiện ô tô lưu thông theo chiều Nam - Bắc qua hầm Phước Tượng, dù phải đi đường đèo nhưng các tài xế vẫn phải chịu phí gộp sử dụng 3 hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, với mức giá dịch vụ từ 108.000 - 278.000 đồng/xe tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân như trước đây.

Chủ các doanh nghiệp vận tải còn cho biết, từ ngày 1/5/2021, phí qua Trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng gấp 3 lần khiến các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Nay chi phí nhiên liệu tăng lên do xe phải lưu thông đường đèo, nhưng Công ty Đèo Cả không thực hiện giảm phí qua trạm BOT khiến các doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Ngày 17/3, Công ty Hạ tầng giao thông Đèo Cả lên tiếng vì sao không thực hiện giảm giá vé tại Trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) trong thời gian sửa chữa hầm Phước Tượng và Phú Gia, các phương tiện phải đi đường đèo.

Công ty này lý giải, theo quy định về quy trình bảo dưỡng, bảo trì quy định bởi Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ và Thông tư 50 của Bộ GTVT về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, hầm Phú Gia, Phước Tượng được Bộ GTVT phê duyệt quy trình bảo trì. Công trình đã đưa vào khai thác từ năm 2016, tới nay hơn 5 năm, đến thời hạn thực hiện trùng tu (bao gồm sửa chữa các hư hỏng để đảm bảo an toàn công trình).

Với đặc thù hầm Phước Tượng và Phú Gia chỉ có 1 ống hầm lưu thông hai chiều, khi bảo dưỡng, duy tu phải tạm dừng một làn để thi công. Phương án đảm bảo an toàn đã được cơ quan nhà nước thống nhất.

Để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và vẫn đảm bảo việc sửa chữa hầm, công ty tiến hành thi công 3 ca theo hình thức cuốn chiếu. Do vậy việc tạm dừng một làn trong hầm, phân luồng đi đường đèo mỗi hầm khoảng 2 tuần là bất khả kháng.

Trong thời điểm lưu lượng xe thấp, đơn vị sẽ điều tiết luân phiên từng chiều để các phương tiện đều di chuyển qua hầm trên một làn. Tuy nhiên do đang thi công để đảm bảo an toàn nên sẽ lưu thông tốc độ chậm, các phương tiện có thể lựa chọn đi đường đèo để thông thoáng hơn; vì vậy việc giá vé dịch vụ sẽ không điều chỉnh trong suốt thời gian nêu trên.

Thực tế tại hầm Phú Gia - Phước Tượng đã không đặt trạm thu phí để thu riêng cho dự án này và Dự án Đèo Cả phải chấp nhận bỏ đi một trạm thu phí ở phía Nam hầm Hải Vân như phương án tài chính đã được phê duyệt trước đây”, Công ty Hạ tầng giao thông Đèo Cả thông tin.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới