Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hầm Đèo Cả và Hải Vân có nguy cơ đóng cửa: Công ty Đèo Cả lại ‘cảnh báo’ Huế và Đà Nẵng

Sau khi đưa ra cảnh báo hầm Đèo Cả và Hải Vân có nguy cơ gián đoạn nếu Bộ GTVT không giải quyết vướng mắc, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) cũng có công văn “cảnh báo” chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.

Như VTC News đã thông tin, hầm Hải Vân và Đèo Cả có nguy cơ bị đóng cửa vì Công ty Đèo Cả thiếu hụt nguồn thu do Bộ GTVT không cho mở trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn trùng tu, vận hành hầm Hải Vân và trạm thu La Sơn - Túy Loan hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả.

Tiếp tục tìm hiểu, được biết, ngày 26/10, ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Đèo Cả đã ký 2 công văn gửi tới UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị hỗ trợ đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân.

Hầm Đèo Cả có nguy cơ đóng cửa? 

Công ty Đèo Cả đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ “có ý kiến với Bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân”.

Công văn nêu: Theo cam kết của Bộ GTVT, Công ty Đèo Cả sẽ được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ ngày 1/1/2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11/2015 đến tháng 1/2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và đường QL1A qua đèo các năm tiếp theo”.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, từ tháng 11/2015, nhà đầu tư ứng vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng tại Ngân hàng Viettinbank để thực hiện đến hết năm 2016 hơn 88 tỷ đồng. Đến nay, sau 3 năm nhà đầu tư đã ứng vốn cho công tác trên với kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, gây mất cân đối về tài chính dẫn đến không duy trì được nguồn kinh phí để đảm bảo liên tục công việc này có thể làm gián đoạn lưu thông qua hầm Hải Vân, gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đời sống xã hội và nhân dân.

Công văn do ông Lưu Xuân Thủy ký cũng “cảnh báo” chính quyền Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng: “Trong trường hợp vì các lý do khách quan như bị cắt điện, người lao động đình công… làm gián đoạn việc quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, dẫn đến mất an toàn giao thông, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp và hỗ trợ Công ty Đèo Cả giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo công tác điều tiết giao thông trong hầm an toàn, thông suốt”.

Hầm Hải Vân có nguy cơ đóng cửa vì thiếu kinh phí vận hành? 

Trước đó, ngày 18/10, Công ty Đèo Cả cũng có công văn “dọa” Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ. Công văn ghi rõ: “Trường hợp Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành… dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Trong Công văn này, Công ty Đèo cả cũng cho rằng Bộ GTVT đã vi phạm hợp đồng dự án số 26/HĐXD-DEOCA, phụ lục hợp đồng kéo theo vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng. Do đó, nhà đầu tư sẽ xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án hầm Đèo Cả và Hải Vân. Hoặc đưa vụ việc ra để giải quyết theo thủ tục tư pháp tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.

“Việc đơn phương thực hiện của Bộ GTVT đã vi phạm các điều khoản trong hợp đồng dự án và ảnh hưởng trực tiếp đến các điều khoản của hợp đồng tín dụng”, ông Thủy cho biết trong văn bản trả lời PV.

XUÂN TIẾN

Tin mới