Ngày 2/11, trả lời câu hỏi VTC News, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) khẳng định, thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét nếu cần thiết thì sẽ thu lại hầm Hải Vân 1 để quản lý, vận hành là chưa chính xác.
“Mới đây, tại cuộc họp giữa HĐQT Công ty Đèo Cả và lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ GTVT cũng thống nhất phối hợp với công ty để đảm bảo công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân thông suốt. Quyết định cuối cùng phải chờ văn bản của Bộ GTVT”, ông Thủy nói.
Cũng theo ông Thủy, những kiến nghị của công ty Đèo Cả đang được bộ giải quyết.
Cụ thể, tại cuộc làm việc, đề xuất của Công ty Đèo Cả về việc dựng thêm một trạm thu phí tại phía nam hầm Hải Vân, Bộ GTVT cho biết, trạm thu phí phía Nam nếu dựng lên sẽ nằm quá gần trạm Phú Gia - Phước Tượng (chỉ hơn 12 km) nên Bộ đã thống nhất với nhà đầu tư thu chung tại trạm Phú Gia - Phước Tượng và doanh thu sẽ được chia cho cả 2 dự án (hầm Hải Vân 2 và Phú Gia - Phước Tượng).
Đối với mức phí có giảm so với phương án tài chính ban đầu, đại diện Bộ GTVT cho hay, bộ đang xây dựng dự thảo sửa Thông tư 35 để đảm bảo cam kết với nhà đầu tư.
Bộ GTVT có thể thu lại hầm Hải Vân 1 để quản lý, vận hành?
Còn về phương án vận hành hầm Hải Vân 1, sau khi hoàn thành hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT sẽ cùng với nhà đầu tư tính lại phương án tài chính.
Đối với dự án hầm Cổ Mã, cần hỗ trợ 1.200 tỷ đồng, do không nằm trong trong kế hoạch tài chính vốn trung hạn nên Bộ GTVT sẽ đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội để xin bổ sung.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho thu phí đường La Sơn - Túy Loan vì đây là đường mới và người dân có quyền lựa chọn.
Theo hợp đồng BOT được ký kết giữa nhà đầu tư - Công ty Đèo Cả và Bộ GTVT, phía nhà đầu tư sẽ xây dựng hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 (kết hợp với quản lý vận hành hầm Hải Vân 1) với tổng mức đầu tư 26.254 tỷ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 5.048 tỷ đồng, 21.106 tỷ là của nhà đầu tư).
Năm 2016 ký hợp đồng, Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí tại trạm Đèo Cả với mức phí 60.000-288.000 đồng/xe/lượt. Mức thu này sau đó đã bị điều chỉnh xuống còn 52.000 - 200.000 đồng/xe/lượt khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 35/2016 về mức trần thu phí với các dự án BOT.
Do áp dụng mức phí của Thông tư 35, trong 9 tháng của năm 2018, nhà đầu tư hụt thu hơn 65,7 tỷ đồng so với mức phí trong hợp đồng ký với Bộ GTVT. Ngày 15/10, nhà đầu tư này tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT thực hiện đúng hợp đồng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT giao chủ đầu tư thực hiện việc nâng cấp hầm Hải Vân 1 và ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành từ tháng 11/2015. Công ty Đèo Cả đã chi 900 tỷ đồng để nâng cấp hầm Hải Vân 1 và hơn 300 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.
Cửa phía bắc hầm Hải Vân 1. (Ảnh HAMADECO)
Theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT ký kết giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư thì Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 1/2017.
Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân không thực hiện được do trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia. Trong khi chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 khoảng gần 100 tỷ đồng/năm.
Như vậy, để quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 trong 10 năm chủ đầu tư cần khoảng 2.660 tỷ đồng, đó là chưa kể trượt giá.
Trước việc nhà đầu tư đã không được thu phí hoàn vốn tại trạm Nam Hải Vân, đồng thời Bộ GTVT báo cáo đề xuất Thủ tướng bỏ thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan đã làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của dự án.