Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, đồng thời giải quyết một số kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho Hải Dương phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng năm 2022, KT-XH Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9,14% xếp 8/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2%, xuất khẩu đạt 11,45 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 21.000 tỷ đồng tăng 36%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52,1 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ nhưng tồn tại hạn chế, như thu hút vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp còn hạn chế; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cũng đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng một số nội dung liên quan đến việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao lập thể giữa QL5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và QL17B tại xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành).
Sớm đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường QL37 đoạn từ QL18 qua Côn Sơn - Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua Cầu Đồng Việt; xem xét, cho phép thu hồi chủ trương giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng KCN Hoàng Diệu, KCN Hưng Đạo và giao cho UBND tỉnh Hải Dương lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và cho phép tỉnh Hải Dương triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh...
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu ý kiến.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ, biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng phân tích rõ về tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và những tồn tại hạn chế. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.
Tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc.
Theo Thủ tướng, Hải Dương cần thực hiện hiệu quả Chiến lược “bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội; tận dụng sự lan tỏa của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển. Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh; tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới.
Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ mở rộng quy hoạch quần thể di tích "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”. Đồng thời, tỉnh huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong quản lý, đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của quần thể di tích này.
Hải Dương cũng cần quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp.
Coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hải Dương cần chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về các kiến nghị của tỉnh Hải Dương, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.