Tại cuộc họp ngày 3/4, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng, trong đó điều chỉnh mục tiêu GRDP nhưng trên tinh thần "phấn đấu đạt kịch bản 1 là 7,5% và bám sát mục tiêu kịch bản 2 là 6,42%".
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Quyền cho biết do tác động của dịch, tốc độ tăng tưởng kinh tế (GRDP) của thủ đô đạt 3,72% so với cuối năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, GDP cả nước tăng 3,82%.
Xuất nhập khẩu cũng giảm hơn 18% so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm hơn 21%.
Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 là du lịch. Số liệu của Cục thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Hà Nội tháng 3 giảm 22% so với tháng trước và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến tỷ lệ thất nghiệp quý I là 2,25%, tăng 0,76 điểm phần trăm so quý IV/2019.
Du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội đều giảm mạnh do dịch CoVid-19. (Ảnh: Giang Huy).
Để đạt được mục tiêu trên, ông Huệ yêu cầu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bằng cách cơ cấu lại cây trồng, tập trung vào hoa màu và thực phẩm, đẩy mạnh tái đàn và cung ứng thịt lợn ra thị trường, phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp năm nay ít nhất trên 4%
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng của thương mại nội địa, nhất là các dịch vụ thanh toán điện tử, các ngành nghề có lợi thế phát triển hiện nay như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế.
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, Bí thư Hà Nội đề nghị các sở, ngành rà soát, sửa đổi, hoàn thiện thể chế đầu tư công, đầu tư tư nhân và chuẩn bị đầu tư để khi hết dịch thành phố sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn.
Ông Vương Đình Huệ lưu ý tinh thần "góp gió thành bão" trong triển khai chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, chính quyền cần phân loại các dự án từ cấp thôn, xã, phường, thị trấn, quận, huyện và thành phố để tháo gỡ, đốc thúc thật mạnh sau thời kỳ cách ly xã hội.
Về chi ngân sách nhà nước, ông Huệ yêu cầu tính toán cẩn trọng, tăng chi cho hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch, không giảm chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội.
Ngoài ra thành phố sẽ cắt giảm 5% chi thường xuyên của các cấp, ngành trong 9 tháng cuối năm và huy động thêm nguồn lực cho công tác trong phòng chống Covid-19.