21 hộ dân quyết bám trụ chung cư nguy hiểm cấp độ D ở Hà Nội
Mới đây, UBND phường Thành Công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức rào chắn bằng tôn tại tầng 1 (đơn nguyên 1 và 2) nhà G6A khu tập thể Thành Công. Đồng thời, chính quyền yêu cầu 21 hộ dân nghiêm túc thực hiện việc di dời người, tài sản ra khỏi khu nhà nguy hiểm cấp độ D (có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay).
Khu nhà G6A tập Thành Công gồm 5 tầng, có 3 khối, trong đó đơn nguyên 1 và 2 được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, đơn nguyên 3 nguy hiểm cấp C (Nguy hiểm cục bộ). Hiện, quanh chung cư G6A đều bị quây tôn, chỉ có 2 lối ra vào ở ngõ 16 đường Nguyên Hồng.
Ông Ngô Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, nhà G6A khu tập thể Thành Công qua 2 lần kiểm định được công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, một số người dân tại đây không đồng ý với kết quả này. Sau khi vận động đã có 28 hộ đồng ý di dời, còn 21 hộ chưa đi. “Thời gian tới, UBND phường Thành Công hy vọng 21 hộ còn lại đi tạm cư ở chung cư hoặc nhận tiền tự thuê nhà, nếu không chính quyền sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn”, ông Lâm chia sẻ.
Việc rào tôn đã thực hiện được hơn một tuần nhưng 21 hộ tại đơn nguyên 1 và 2 vẫn chưa di dời. Trong khi đó, nhiều hộ buôn bán tại tầng 1 buộc phải đóng cửa hoặc di chuyển đồ đạc ra khu vực khác để kinh doanh vì rào chắn án ngữ trước cửa.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, hiện gia đình bà vẫn sinh hoạt bình thường trong căn nhà trên. Dù khu nhà được xếp loại nguy hiểm cấp độ D nhưng bà Lan vẫn cho rằng ngôi nhà không có dấu hiệu xuống cấp, các hệ thống điện, nước vẫn hoạt động ổn định.
Ông Võ Sĩ Hùng (62 tuổi) cho biết, gia đình ông chuyển về ở khu tập thể Thành Công từ năm 1987. Sau hơn 30 năm, căn hộ của ông chỉ bị thấm nước một số mảng tường và gia đình đã sửa từ năm 2002. “Căn hộ của gia đình tôi rộng gần 120 m2, tính cả phần cơi nới. Hiện có 4 người sinh sống. Gia đình tôi cũng như 21 hộ chưa di dời mong muốn chính quyền đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc xây dựng lại tòa nhà”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Võ Sĩ Hùng cũng khẳng định, nếu thấy nguy hiểm gia đình ông và 21 hộ dân sống tại chung cư G6A khu tập thể Thành Công "phải chạy ngay chứ không cần chính quyền nhắc nhở".
Từ tầng 3 đến tầng 5, nhiều phòng đã bị quây tôn kín, còn một số phòng khác lại thành nơi chứa đồ đạc của người dân. Khu vực bên ngoài hành lang, đa phần người dân sử dụng để tập kết một số vật dụng.
Nhiều hộ kinh doanh cũng gấp rút chuyển đồ đạc đến mặt bằng khác. “Cửa hàng chúng tôi đã đóng cửa được hơn một tuần nay vì hàng rào tôn chắn ngang trước cửa, chúng tôi cũng đang gấp rút tìm mặt bằng để trở lại kinh doanh”, anh Thuỷ (chủ quán bia tại khu tập thể Thành Công) nói.
Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1994 và trước năm 1954. Trong đó, nhiều chung cư được xác định mức độ nguy hiểm cấp độ D.