Khu nhà mà chúng tôi đang nói đến là khu tập thể 48 Chi Lăng, TP Huế (Thừa Thiên – Huế). Được biết, khu tập thể này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước năm 1975 với 4 khối nhà, gồm 1 khối nhà cấp 4 và 3 khối nhà cấp 3, với tổng cộng 15 căn hộ.
Trải qua hơn 50 năm đưa vào sử dụng và không được trùng tu khiến khu tập thể này bị xuống cấp trầm trọng và không đảm bảo an toàn cho những hộ dân sống trong khu tập thể này.
Có mặt tại khu nhà này, chúng tôi ghi nhận tình trạng các khối nhà đều bị nứt, lún sụt phần nền móng. Hệ thống tường gạch xuất hiện những vết nứt ngang dọc chằng chịt, tường bị thấm và bong tróc hàng loạt. Trần nhà, mái nhà thấm dột, hệ thống điện, nước hư hỏng.
Nhìn từ bên ngoài, khu tập thể 48 Chi Lăng hoang tàn đổ nát, phủ kín rêu xanh. (Ảnh: T.H)
Nguy hiểm nhất là sàn mái của các căn hộ ở tầng 2 sứt mẻ, bong tróc bê tông làm lộ ra những thanh thép đã gỉ mục. Những trụ bê tông cốt thép của những khối nhà này cũng bị nứt nẻ, bong vỡ rất nhiều, bày ra những cột thép đã gỉ nghiêm trọng.
Bà Trần Thị Mẫn (người dân sống tại khu tập thể 48 Chi Lăng) cho biết, tình trạng xuống cấp tại khu tập thể đã xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện tại, tình trạng xuống cấp trở lên nghiêm trọng hơn nhiều, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và cuộc sống của người dân.
"Nhiều người dân ở trong nhà phải đội mũ bảo hiểm vì lo sợ những mảng bê tông lâu năm bị bong tróc rơi trúng đầu. Thực trạng này khiến người dân chúng tôi rất khổ sở khi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan”, bà Mẫn nói.
Trước cảnh luôn phải sống trong sợ hãi vì nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, người dân ở khu tập thể này đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền. Người dân mong được di dời đến khu tái định cư để thoát khỏi cuộc sống nguy hiểm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Dương Đăng Trường Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế) thừa nhận tình trạng xuống cập tại khu tập thể 48 Chi Lăng là không đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
“Hiện, khu tập thể không bảo đảm an toàn đối với những hộ dân sinh sống tại đây, nhưng việc di dời người dân ra khỏi công trình chưa thể thực hiện được”, ông Khánh nói và lý giải để thực hiện công tác di dời phải báo cáo lên cấp trên.
Sau đó, chờ các cơ quan ban ngành họp, xây dựng phương án, cấp vốn, tỉnh thống nhất chủ trương rồi mới thực hiện được: “Việc này liên quan đến nhiều ngành, phải mất 5 - 7 tháng, thậm chí cả năm”.
Ông Khánh cho biết thêm, khu tập thể này trước đây thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Thừa Thiên - Huế. Từ tháng 8/2017, khu tập thể được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo diện công trình thuộc sở hữu Nhà nước.
Dưới đây là một số hình ảnh tại khu tập thể cũ khiến người dân vừa ở vừa run ở Huế:
Bê tông tại các trần nhà của các căn hộ đã bị rơi rụng trơ ra phần khung thép bên trong. (Ảnh: T.H)
Bờ tường chi chít vết rạn nứt. (Ảnh: T.H)
Nhiều hộ dân sống tại khu tập thể này phải căng bạt khắp căn hộ để tránh bê tông, vữa rơi rụng. (Ảnh: T.H)
Các mảng bê tông trên tường khu căn hộ có thể được bóc ra dễ dàng bằng tay không. (Ảnh: T.H)
Phần vữa trát bên ngoài rơi rụng chỉ còn trơ ra phần gạch phía trong. (Ảnh: T.H)
(Ảnh: T.H)
Tình trạng xuống cấp tại khu tập thể này khiến người dân vừa sống vừa run. (Ảnh: T.H)
Video: Rợn người chung cư cũ giữa lòng Thủ đô