Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu đề xuất khoản vay trị giá 9 tỷ USD cho Ukraine, được hỗ trợ bởi sự bảo đảm từ chính phủ các nước thành viên.
Tuy nhiên, cho tới nay, EU mới chỉ thống nhất phê duyệt khoản viện trợ 1 tỷ USD cho Kiev, tức là chỉ bằng 1/9 so với những gì khối này hứa hẹn.
Theo Bloomberg, nguyên nhân của việc chậm trễ trong khâu viện trợ là do Đức cố gắng thuyết phục EU cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế thay vì cho Kiev vay.
Tờ báo Mỹ dẫn lời một quan chức Đức nói Berlin không muốn chịu gánh nặng về việc bảo lãnh các khoản vay của Ukraine và đã yêu cầu các thành viên khác tham gia nhiều hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Bloomberg)
Bên cạnh đó, đề xuất về khoản vay 1,5 tỷ USD của Ngân hàng Đầu tư châu Âu cho Ukraine cũng được cho là đã bị chặn trong nội bộ EU do nó cần thêm bảo đảm từ các bên.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh EU đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao. Đức quan ngại các lệnh trừng phạt và căng thẳng với Nga sẽ khiến Moskva cắt nguồn khí đốt cho châu Âu. Điều này sẽ là một đòn nặng nề giáng xuống nền kinh tế Đức.
Chính phủ Đức nhiều lần cảnh báo kịch bản như vậy sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với tạp chí Der Spiegel, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ là “thảm họa” với một số ngành.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu quan điểm tương tự khi khẳng định các nền kinh tế châu Âu đang tự bắn vào chân mình khi trừng phạt Nga.
Theo Bloomberg, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU hồi đầu tuần, khoảng một phần ba trong số 27 quốc gia thành viên EU kêu gọi hỗ trợ thêm cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong khối vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine.
Bloomberg dẫn lời một quan chức EU cho biết Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni đã nói với các đồng nghiệp tại một cuộc họp kín rằng chính phủ các quốc gia cần “tránh nguy cơ gây mệt mỏi cho người dân châu Âu”.