CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết, Mỹ diện kiến trong tuần này sẽ công bố kế hoạch mua các hệ thống phòng không tầm trung hoặc tầm xa cho Ukraine, một phần của gói viện trợ quân sự đang được thực hiện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức, gần đây tuyên bố Washington sẽ cung cấp cho Ukraine “các loại đạn dược và hệ thống rocket tiên tiến hơn” để Kiev đối phó với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến có bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo G7 trong ngày 27/6.
Để đáp lại yêu cầu của phía Ukraine, các hỗ trợ quân sự khác có thể sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm đạn pháo và radar trinh sát pháo binh.
Mỹ có thể sẽ mua các hệ thống tên lửa phòng không NASAMS cho Ukraine. (Ảnh: defence24)
Trước đó, các quan chức Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và châu Âu trang bị thêm cho họ các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung NASAMS vì vũ khí này có khả năng đánh chặn các mục tiêu từ khoảng cách 100 km. Dù vậy để binh sĩ Ukraine có thể vận hành hệ thống này sẽ mất khá nhiều thời gian.
Kể từ khi Nga bắt đầu giai đoạn 2 chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh liên tục công bố bổ sung viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Tuần trước, chính quyền Biden thông báo viện trợ quân sự bổ sung 450 triệu USD cho Ukraine, cung cấp thêm 4 hệ thống pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS đi kèm đạn pháo cho các hệ thống pháo binh khác.
Trong khi đó đầu tháng này, Washington cho biết họ đang cung cấp thêm 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, một gói bao gồm các hệ thống pháo binh, đạn dược và vũ khí phòng thủ bờ biển.
Từ những động thái trên của Mỹ, người ta có thể hình dung ra về cuộc chiến dài hơi ở miền đông Ukraine với tổn thất được cho sẽ nặng nề đối với cả hai bên, CNN nhận định.
Cũng theo CNN, các quan chức Mỹ tin rằng các lực lượng Nga có kế hoạch duy trì đà tiến công của họ ở miền đông Ukraine, thông qua các cuộc tập kích dồn dập bằng pháo và rocket hạng nặng. Mục tiêu của họ là làm suy yếu quân đội Ukraine và quyết tâm của NATO theo thời gian.
Cơn khát vũ khí của Ukraine buộc Mỹ và các nước đồng minh liên tục bổ sung các gói viện trợ quân sự mới. (Ảnh: Getty Images)
Về phần Ukraine, quân đội nước này gần như đã sử dụng hết số đạn pháo họ được thừa hưởng từ Liên Xô và bắt đầu chuyển sang các loại vũ khí mới do các phương Tây viện trợ, thế nhưng có những giới hạn khi các nước châu Âu không đủ nguồn lực để viện trợ cho Kiev mãi mãi. Chính phủ nhiều nước phương Tây đang phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc liệu có tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine hay không khi kho vũ khí của họ cũng dần cạn kiệt.
Trong khi đó, chính quyền Biden đã nhiều lần cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc cung cấp viện trợ lịch sự để hỗ trợ cuộc chiến giành tự do của Ukraine", Tổng thống Biden phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vào tháng trước.