Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Djokovic bị loại ở US Open: Nạn nhân của 1 âm mưu hay trả giá cho sự ngạo mạn?

(VTC News) -

Djokovic bị xử oan khi mất quyền thi đấu tại US Open, hay đây là cái giá của sự nóng nảy, ngạo mạn mà tay vợt người Serbia đã thể hiện trong suốt sự nghiệp?

Djokovic bỏ lỡ cơ hội chinh phục Grand Slam thứ 18 theo cách không thể lãng xẹt hơn. Tay vợt 33 tuổi đánh bóng thẳng vào cổ trọng tài dây, khiến nữ trọng tài này ngã xuống sân. Dù "nạn nhân" của Djokovic không gặp vấn đề về sức khỏe, nhưng anh vẫn bị loại ở US Open. 

"Cô ấy đã đi viện đâu?"

"Sự việc này khiến tôi rất buồn và hụt hẫng. Tôi đã hỏi thăm trọng tài và ban tổ chức. Họ nói rằng cô ấy vẫn ổn. Tôi vô cùng xin lỗi vì đã khiến cô ấy phải căng thẳng như vậy", Novak Djokovic chia sẻ sau khi bị xử thua ở trận đấu với Pablo Carreno Busta. 

Tuy nhiên, hành xử của tay vợt số 1 thế giới ngay khi sự cố xảy ra không được dễ chịu như thế. "Tôi không cố tình. Cô ta có phải vào viện đâu", Djokovic dành 7 phút để phân trần với trọng tài Soeren Friemel. Đáp lại, ban tổ chức cho rằng nếu nữ trọng tài dây phải vào viện, hậu quả cho Djokovic còn lớn hơn nhiều. 

Djokovic chia tay US Open. 

Tay vợt người Serbia bắt tay Carreno Busta và rời sân ngay lập tức khi nhận quyết định xử thua. Hơn ai hết, Djokovic hiểu rõ hành động của anh khó được sự tha thứ.

Năm 1995, Tim Henman bị truất quyền thi đấu khi vô tình đánh bóng trúng vào tai một nữ nhân viên nhặt bóng ở nội dung đôi nam tại Wimbledon. David Nalbandian đá tấm quảng cáo vào ống chân trọng tài trong trận chung kết Queen's Club năm 2012, sau đó cũng bị xử thua ngay lập tức.

"Luật là luật, không có chỗ cho tranh luận", cây bút Matthew Futterman của New York Times phân tích, dù thừa nhận những gì diễn ra ở sân Athur Ashe hôm qua thật "kỳ dị". 

Video: Pha đánh bóng trúng trọng tài của Djokovic 

Djokovic bị xử thua vì lỗi hành vi. Cú đánh của anh không có chủ đích. Tay vợt này chỉ kịp liếc nhẹ về cuối sân trước khi tung pha thuận tay vào trọng tài. Rất khó để Djokovic chủ đích nhắm vào ai, nhưng luật tennis không quan trọng là tay vợt có chủ ý tấn công hay không.

Hiệp hội Quần vợt Mỹ tuyên bố: “Theo luật ở Grand Slam, sau hành động cố ý đánh bóng nguy hiểm hoặc liều lĩnh trong sân hoặc đánh bóng một cách cẩu thả mà không quan tâm đến hậu quả, Djokovic đã bị loại khỏi US Open".

Djokovic bị loại vì sự cẩu thả. Theo Russell Fuller, chuyên gia tennis của BBC, nếu ban tổ chức tha thứ cho Djokovic, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều. 

Bởi Djokovic đã rất nhiều lần trong sự nghiệp bị phạt vì lỗi hành vi. Trên đỉnh cao sự nghiệp, được mệnh danh là "quái vật tâm lý" với tinh thần thép, song Djokovic thường xuyên bộc lộ sự nóng nảy. Anh thể hiện cái tôi thái quá, điều phản cảm với môn thể thao quý tộc, trọng cách hành xử trang nhã như tennis. 

Trận tứ kết Rolland Garros hồi tháng 6/2016, Djokovic để tuột cây vợt sau pha vung tay bất cẩn, khiến vợt suýt va vào trọng tài dây. Cuối năm 2016, Djokovic sút bóng về phía ban huấn luyện của mình, những người đang ngồi trên hàng ghế ngay trước mặt khán giả.

Trong lời xin lỗi được gửi lên trang cá nhân, Djokovic hứa sẽ nhớ bài học này để trưởng thành. Sau nhiều lần đập vợt, tranh cãi với trọng tài, Nole cần cải thiện hình ảnh. Nếu không, dù vượt qua kỷ lục vô địch Grand Slam của Roger Federer, Djokovic cũng không bao giờ là tay vợt được yêu mến như người đàn anh. 

Djokovic luôn là tâm điểm tranh cãi. 

Có âm mưu chống lại Djokovic?

Tuy nhiên, không phải vô lý nếu ai đó cho rằng Djokovic bị xử ép. Hoặc nếu là tay vợt khác gây ra sự cố, chưa chắc anh ta đã bị chỉ trích nhiều như Nole.

Djokovic đã có năm 2020 tuyệt vời với 26 trận toàn thắng ở mọi giải đấu. Nhưng bên ngoài sân bóng, anh lại để lại điều tiếng không hay.

Djokovic tổ chức giải quần vợt Adria Tour giữa tâm dịch COVID-19, giải đấu khiến anh và nhiều tay vợt tên tuổi mắc COVID-19. Djokovic nhiệt tình đi xem bóng đá, bóng rổ, đi hộp đêm tổ chức tiệc khi châu Âu vật lộn với dịch bệnh.

Giải Adria Tour của Djokovic bị chỉ trích. 

"Chúng tôi đã làm điều đó với trái tim trong sáng và ý định chân thành", Djokovic giải thích về ý định tổ chức Adria Tour trên Instagram. Dù vậy, giới chuyên môn nhận định giải Adria Tour của Djokovic không giúp ích gì cho nỗ lực đưa tennis trở lại.

Cuối tháng 8, Djokovic tiếp tục khiến các nhà điều hành quần vợt "méo mặt". Anh cùng Vasek Posposil thành lập Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) - tổ chức đại diện cho lợi ích của các tay vợt nam bên ngoài Hiệp hội Quần vợt Nhà nghề (ATP).

Hiệp hội của Djokovic ra đời với mục tiêu đại diện cho lợi ích của các thành viên trong lĩnh vực như chia sẻ doanh thu, kỷ luật, lương hưu, chế độ nghỉ dưỡng, bảo hiểm và tiện nghi tại các giải đấu. 

Sự xuất hiện của PTPA do Djokovic sáng lập khiến lợi ích của ATP bị ảnh hưởng. Chủ tịch Andrea Gaudenzi lập tức viết thư kêu gọi các tay vợt không gia nhập, nhưng đã có ít nhất 60 tay vợt xác nhận sẽ tham gia PTPA. 

Djokovic sẽ trở lại. 

Theo cây viết Fuller của BBC, việc thành lập PTPA có thể khiến Djokovic trở thành cái gai trong mắt các nhà điều hành. Rafael Nadal và Federer cho rằng Djokovic không nên chia rẽ làng quần vợt, nhưng tay vợt người Serbia lại nghĩ khác.

Xung đột xảy ra sẽ khiến Nole bất lợi trong tương lai? Không ai chắc chắn về điều đó. Tuy vậy, thiệt hại trước mắt của Djokovic là anh đã bỏ lỡ cơ hội rất ngon ăn để chinh phục Grand Slam thứ 18. Djokovic còn một giải Grand Slam nữa là Rolland Garros, nhưng mặt sân bụi đỏ vốn là sở trường của Nadal sẽ là thách thức lớn hơn rất nhiều.

"Djokovic sẽ đạp lên mọi thách thức như đã từng. Anh ta sẽ hồi phục, chiến thắng trở lại, nhưng hy vọng Djokovic sẽ khiêm tốn hơn nữa", Fuller nhấn mạnh. 

Hồng Nam

Tin mới