Sâu trong khu rừng miền Nam nước Nga, từng dãy xe tải quân sự đứng sừng sững dưới tấm lưới ngụy trang. Những chiếc xe chở đầy binh lính lăn bánh trên những con đường đất. Bên ngoài doanh trại, lính gác đi tuần với khẩu AK trên vai.
Khoảng một tháng trở lại đây, Nga tập trung quân tại biên giới với Ukraine. Theo các chuyên gia, đây là lần tập trung quân lớn nhất kể từ khi cuộc chiến giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn nổ ra năm 2014.
Nga "diễu võ dương oai"
Nga không có ý định giữ bí mật về cuộc chuyển quân này. Trong chuyến đi tới miền Nam nước Nga, khu vực sát biên giới với Ukraine, phóng viên New York Times nhận thấy dấu vết các động thái của Nga ở khắp nơi.
Cuộc chuyển quân của Nga khiến không chỉ Ukraine mà cả NATO, châu Âu và Mỹ báo động. Đây được coi là phép thử đối với chính quyền Biden khi Mỹ vừa trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, dẫn tới động thái tương tự của Moscow.
Khí tài quân sự Nga tập trung gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Reuters.
Phát biểu trước các thành viên Nghị viên Châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Taran cho biết hơn 110.000 binh lính Nga đang đóng quân gần biên giới với Ukraine.
Trong khi đó, khi trình bày trước Quốc hội Mỹ ở Washington, Giám đốc CIA William Burns nói rằng không rõ đây chỉ là động thái biểu dương lực lượng hay là sự chuẩn bị cho một âm mưu nào khác.
Tuy vậy, ông khẳng định hành động của Moscow là "đáng lo ngại".
Dù với mục đích nào, giới chuyên gia cho rằng Nga muốn cuộc điều quân này nhận được sự chú ý từ các nước.
“Họ triển khai quân một cách rõ ràng”, ông Michael Kofman, chuyên gia hàng đầu ở CNA - một viện nghiên cứu chính trị quốc tế có trụ sở ở bang Virginia, Mỹ - nhận xét. “Họ thực hiện một cách công khai, để chúng ta có thể nhìn thấy. Điều này hoàn toàn là cố ý”.
Dường như để đảm bảo hành động của mình được chú ý, quân đội Nga đã chủ động thông báo trước một phần hoạt động. Tuy vậy, việc công khai làm Nga mất đi yếu tố bất ngờ, khiến các chuyên gia đánh giá thấp khả năng nước này thực hiện một cuộc tấn công thực sự.
Nhiều khả năng, sự điều chuyển quân này là lời cảnh báo đối với phương Tây không nên coi thường Nga.
Theo nhà nghiên cứu Dmitri Trenin từ Viện Carnegie Moscow, quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ càng xấu đi do những bằng chứng cho thấy Nga đang can thiệp vào nội bộ các nước phương Tây.
“Trong khi đó, sự tương đồng trong chính sách đối với Nga giữa Mỹ và châu Âu đã gia tăng đáng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức”, ông nhận xét.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thị sát vùng chiến sự ở miền Đông nước này. Ảnh: Guardian.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có thể tức giận trước những hành động gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bao gồm đưa quân tới vùng tiếp giáp lãnh thổ ly khai ở miền Đông, đóng cửa các đài truyền hình thân Nga và truy tố các lãnh đạo phe ly khai vì tội phản quốc.
Do đó, sự triển khai quân của Nga có thể cũng nhằm gây áp lực lên Ukraine. Nga mong muốn Ukraine chấp nhận các điều khoản nước này đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Cuộc chuyển quân ồn ào
Ở miền Nam nước Nga, dấu vết của cuộc chuyển quân ở khắp mọi nơi. Vết bánh xích xe tăng cắt qua bãi đỗ xe của người dân. Những xe tải quân sự phóng vụt qua trước con mắt tò mò của những đứa trẻ đứng hai bên đường.
Thao trường Pogonovo, tỉnh Voronezh được coi là trung tâm điều phối của cuộc triển khai quân. Những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm xe thiết giáp đã xuất hiện. Những xe tải quân sự khổng lồ đỗ dọc hai bên đường.
Những chiếc xe tải này chở theo nhiều khí tài hiện đại của quân đội Nga, bao gồm hệ thống tên lửa TOS và xe bọc thép chở quân BMP. Bên cạnh đó, lực lượng đến từ nhiều quân chủng - từ bộ binh, pháo binh, đặc công đến xe tăng hay tàu đổ bộ - đều góp mặt.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga Dmitri Peskov liên tục khẳng định rằng Nga có toàn quyền triển khai quân bên trong lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ra lệnh cho toàn quân đội phải ở trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu" để chống lại "các động thái gây hấn của NATO".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho quân đội "sẵn sàng chiến đấu". Ảnh: Reuters.
Hầu hết người dân sống quanh thao trường Pogonovo ủng hộ động thái biểu dương lực lượng của quân đội.
"Nếu Ukraine hạ nhiệt căng thẳng, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy", ông Aleksei, một thợ máy trong không quân Nga đã nghỉ hưu, nói với phóng viên New York Times.
Tuy vậy, ông cho biết quân đội Nga vẫn thường huấn luyện ở khu vực này, và các động thái gần đây là bình thường.
"Không có gì đáng quan ngại. Hoàn toàn không có gì", ông Aleksei khẳng định.