Kỷ tử hay còn gọi là câu kỷ tử, là dược liệu thường được sử dụng trong các thang thuốc bắc và các món ăn tẩm bổ cho cơ thể. Ngoài ra việc ăn kỷ tử trước khi ngủ cũng mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
Tổng quan về kỷ tử
Kỷ tử còn có tên gọi khác là câu khởi, khởi tử, câu kỷ tử. Tên khoa học Lycium sinense Mill (Lycium barbarum L. var. sinense Ait). Thuộc họ Cà Solanaceae.
Kỷ tử hay khởi tử (Fructus Lycii) là quả chín phơi hay sấy khô của cây khởi tử Lycium sinense.
Tại Trung Quốc người ta trồng kỷ tử ở nhiều tỉnh. Những tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đều có. Ngoài ra, cây còn mọc và được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên.
Trong kỷ tử có carotene, canxi, photpho, sắt, vitamin C, acid nicotinic, lysine, choline, chất béo, protein.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, câu kỷ tử là một trong những vị thuốc tác dụng dược lý rất phong phú: Cải thiện và điều tiết công năng hoạt động của cơ thể; nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết hạ khâu não - tuyến yên - tuyến thượng thận; bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.
Câu kỷ tử còn giúp điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản; hạ đường huyết; làm giãn mạch và hạ huyết áp; thúc đẩy quá trình tạo huyết của tủy xương; chống oxy hóa và làm chậm sự lão hóa; chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Kỷ tử được coi là một vị thuốc bổ máu, dùng trong các bệnh đái tháo đường (phối hợp với các vị thuốc khác), ho lao, viêm phổi, mệt nhọc, gầy yếu, bổ tinh khí, giúp trẻ lâu.
Ăn kỷ tử trước khi ngủ mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn kỷ tử trước khi đi ngủ?
Chuyên trang của báo VnExpress dẫn nguồn trang Sohu cho biết, nhai khoảng 5 hạt kỷ tử sống mỗi tối giúp tăng miễn dịch, dưỡng gan, ngủ ngon, bổ thận, mắt và cải thiện các vấn đề mũi, miệng.
Chăm sóc mắt
Việc tiếp xúc thường xuyên với điện thoại di động và máy tính dễ ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt, khiến mắt mỏi và giảm thị lực. Nhai kỷ tử sống trước khi ngủ có tác dụng hữu ích trong việc bảo vệ đôi mắt của bạn.
Cải thiện vấn đề của miệng và mũi
Khô miệng và mũi có thể do nhiều nguyên nhân. Khi tuổi tác càng cao, các tuyến nước bọt trong miệng của người trung niên và người cao tuổi cũng dần co lại, khiến việc tiết nước bọt giảm dần đi, rất dễ bị ho khan lúc nửa đêm hoặc cảm thấy khô miệng khi thức dậy.
Một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cần uống thuốc trong thời gian dài cũng dễ bị khô miệng, khô mũi. Nếu bạn cũng gặp vấn đề này, có thể thử ăn 5 hạt câu kỷ tử trước khi đi ngủ để giải cảm, dưỡng âm dương bổ phổi, khử độc miệng và mũi.
Dưỡng can, bổ thận
Kỷ tử có tác dụng bổ thận rất tốt, người chức năng thận kém ăn câu kỷ đúng cách có thể bồi bổ thận. Kiên trì ăn 5 hạt kỷ tử mỗi ngày trước khi đi ngủ có thể cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể và nuôi dưỡng tốt hơn sức khỏe của thận.
Điều này rất có lợi trong việc tăng cường sinh lực cho thận và khí, cải thiện chức năng của thận, đồng thời giúp bài tiết chất thải và độc tố dư thừa ra khỏi cơ thể, làm giảm các triệu chứng suy thận.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Vào mùa đông, nếu không chú ý giữ ấm, cơ thể dễ bị cảm lạnh. Một trong những thực phẩm "vàng" giúp giữ ấm chính là kỷ tử.
Các thành phần trong vị thuốc này gồm galactose, xylose, mannose, glucose, rhamnose, arabinose có hoạt tính sinh lý mạnh, giúp tăng cường hiệu quả chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể và cải thiện khả năng kháng bệnh.
Nhai vài hạt kỷ tử sống trước khi ngủ vào mùa đông có thể cải thiện hiệu quả hệ thống miễn dịch, phòng ngừa cảm lạnh hiệu quả.
Nuôi dưỡng gan và làm dịu thần kinh
Trong cuộc sống bận rộn, nhiều người thường phải thức khuya để tăng ca, dẫn đến mất hoặc thiếu ngủ. Lối sống này rất có hại cho gan.
Để chăm sóc, bảo vệ gan, bạn có thể nhai vài hạt kỷ tử trước khi ngủ, giúp cải thiện mất, xoa dịu thần kinh, giảm căng thẳng và tức giận.
Ngăn ngừa ung thư
Các chất dinh dưỡng trong quả kỷ tử có thể giúp cơ thể bổ sung đủ dinh dưỡng, từ đó nâng cao thể chất. Trước khi đi ngủ nếu ăn vài quả kỷ tử sống còn có thể tăng đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể, phòng ngừa các bệnh về thể chất và giảm nguy cơ ung thư.
Lưu ý: Tuy kỷ tử rất tốt cho sức khoẻ nhưng Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn ThS. BS. Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, người đang thực nhiệt (nhiễm khuẩn, viêm tấy), bị đàm thấp, tiêu chảy không nên dùng kỷ tử.