TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, thời điểm này, khi thí sinh chưa thay đổi nguyện vọng sẽ rất khó đưa ra dự đoán chính xác về mức điểm chuẩn từng ngành. Tuy nhiên, dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, thầy Dũng dự đoán các ngành năm 2020 có điểm trúng tuyển ở mức trung bình, vừa phải, từ 7,5-8 điểm/môn thì năm nay có thể tăng từ 1-2 điểm.
Một số ngành năm ngoái điểm chuẩn cao, trung bình từ 8,5-9 điểm/môn như Ngôn ngữ Hàn, Trung, Nhật, Anh, Marketing thì điểm chuẩn năm nay có thể tăng ít hơn, chỉ khoảng 1 điểm.
“Do điểm thi môn tiếng Anh năm nay cao hơn năm ngoái, nên có thể dự đoán điểm chuẩn một số ngành xét tuyển bằng tổ hợp khối D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) cũng tăng từ 1-2 điểm so với năm trước. Các ngành xét tuyển theo tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh) điểm chuẩn tăng khoảng 1 điểm so với năm 2020”, thầy Dũng nói.
Dự báo chi tiết hơn với một số chuyên ngành được nhiều thí sinh quan tâm, thầy Dũng cho biết, như ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, điểm trúng tuyển năm 2020 là 31,73 (điểm tiếng Anh nhân 2), thì điểm chuẩn năm nay có thể tăng thêm khoảng 1 điểm. Tương tự, dự báo điểm chuẩn ngành Tài chính – Ngân hàng năm nay cũng sẽ tăng khoảng 1 điểm so với năm trước.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cũng khuyên thí sinh nên mạnh dạn đăng ký những ngành mà mình yêu thích ở nguyện vọng 1, các ngành có điểm chuẩn năm ngoái xấp xỉ điểm thi ở nguyện vọng 2, 3. Ở các nguyện vọng sau thí sinh nên đăng ký những ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi tốt nghiệp để nắm chắc cơ hội đỗ vào 1 ngành.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số thí sinh phải xét tuyển đặc cách tốt nghiệp, không thể thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Hà Nội cũng đã dành ra 10 chỉ tiêu cho nhóm thí sinh này. Theo đó, Trường xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, yêu cầu điểm trung bình cả 3 năm và điểm trung bình chung môn Ngoại ngữ 3 năm THPT đạt từ 7,0 trở lên. Trường xét từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu.