Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Bệnh tật khiến đồng bào nghèo càng thêm nghèo, tiền nhà đội nón ra đi

(VTC News) -

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, một trong những lý do phổ biến dẫn đến tái nghèo, thậm chí cả đại gia đình bị túng quẫn, đó là chi phí y tế cho các bệnh hiểm nghèo.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Bệnh tật khiến đồng bào nghèo càng thêm nghèo, tiền nhà đội nón ra đi

Trong phiên thảo luận tại nghị trường sáng nay, các đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu lên nhiều bất cập trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững khu vực miền nùi, dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) phát biểu tranh luận về nguyên nhân tái nghèo.

Ông cho rằng, bên cạnh nhiều yếu tố khách quan như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai… một nguyên nhân khác, do thiết kế nội dung các dự án cấu thành của chương trình.

Vị đại biểu phân tích, chúng ta có 7 dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhưng chưa có dự án nào cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở những địa bàn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu sáng 30/10.

Sau nhiều chuyến đi thực tế ở vùng sâu vùng xa, ông Hiếu nhận thấy một trong những lý do phổ biến dẫn đến tái nghèo, thậm chí cả đại gia đình bị túng quẫn, đó là chi phí y tế cho các bệnh hiểm nghèo.

"Các bệnh lý phổ biến như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cần điều trị thường xuyên. Nếu được dùng thuốc tốt, chăm sóc đúng cách, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ nhỏ và hoàn toàn khống chế được. Nhưng hiện nay do nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị có rất nhiều bất cập. Hiếm có cơ sở y tế xã nào có thể quản lý tốt các bệnh này", ông Hiếu phản ánh thực tế.

Do không được điều trị đúng cách, kéo dài lâu ngày dẫn đến tỷ lệ bị biến chứng rất cao. Và khi một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh, tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi", chưa kể phải vay mượn khắp nơi.

Tới lúc ra viện, người bệnh về nhà kèm theo tàn phế, không còn khả năng lao động, lại cần người chăm sóc đã tạo nên gánh nặng cho cả đại gia đình, khiến họ "nghèo càng nghèo thêm".

Một thực tế khác, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhiều huyện miền núi phía Bắc, tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai vẫn rất phổ biến. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh, nhũ nhi với tiêm chủng đầy đủ, dinh dưỡng và điều trị các bệnh thông thường vẫn là thách thức lớn, khiến tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao, tỷ lệ tử vong ở một số địa phương đáng báo động.

Ông thẳng thắn, hiện chưa có nguồn ngân sách rõ ràng và đủ lớn để thay đổi thực sự việc chăm sóc sức khỏe người già, trẻ nhỏ và xử lý các bệnh mạn tính. Do đó, vị đại biểu này đề nghị Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này, chú ý hơn nữa  bố trí nguồn lực tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở.

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến thảo luận.

Cũng liên quan đến vấn đề sức khoẻ, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) băn khoăn với dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em có hai chỉ tiêu vẫn chưa đạt được.

Theo đó, chỉ tiêu về trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân đạt 15,8% trong khi kế hoạch mục tiêu giao phải dưới 15%, trẻ thấp còi là 25%, trong khi kế hoạch giao là dưới 15%...

Theo nữ đại biểu, năm 2020, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào 1 trong 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Kể từ đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này.

Tuy nhiên, tình trạng cải thiện cũng chưa khả quan, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng từng nhận định tại vùng núi phía Bắc và nhiều vùng dân tộc thiểu số khác có hơn 70% trẻ em chưa được ăn đúng, ăn đủ.

Đại biểu cho rằng, "cái no lo chưa tới, làm sao nghĩ đến đa dạng thực phẩm đúng, đủ chất", vẫn còn nơi có tập quán chăm sóc trẻ lạc hậu,... Mặt khác, cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn bất cập.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến 2023, dự án 7 chỉ giải ngân được 15,44%, trong khi đó, ngân sách địa phương chỉ giải ngân được 10,91%. Như vậy, đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách, việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em chưa đảm bảo được đi vào thực chất.

Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong báo cáo giám sát đề ra. Đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trẻ em.

Hà Cường

Tin mới