Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiền dành cho đồng bào dân tộc thiểu số 'nằm im' trong kho bạc: Người nghèo đổ nợ khi dựng nhà mới

Với tổng nguồn vốn lên đến 137.664 tỷ đồng và sau hơn 2 năm triển khai, nhiều địa phương rơi vào tình trạng tiền nằm im trong Kho bạc, còn dân nghèo chờ dự án.

Có nhà mới nhưng trở thành con nợ và bị cắt tiền hỗ trợ hộ nghèo, câu chuyện “dở khóc dở cười này” đã và đang diễn ra trong cuộc sống đồng bào nghèo dân tộc thiểu số tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn ở một số địa phương miền Trung. Thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhưng trên thực tế, các dự án dành cho bà con vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nằm trên giấy.

Với tổng nguồn vốn lên đến 137.664 tỷ đồng và sau hơn 2 năm triển khai, nhiều địa phương rơi vào tình trạng tiền nằm im trong Kho bạc, còn dân nghèo chờ dự án. Thực trạng nhức nhối này phải chăng do người dân “cầm đèn chạy trước ô tô”, chính quyền địa phương tắc trách hay vướng mắc về cơ chế khiến nguồn vốn Chương trình được đánh giá là ưu đãi vượt trội và toàn diện so với trước đây lại bị “nhốt” trong Kho bạc?

LTS: Có nhà mới nhưng trở thành con nợ và bị cắt tiền hỗ trợ hộ nghèo. Câu chuyện “dở khóc dở cười này” đã và đang diễn ra trong cuộc sống đồng bào nghèo dân tộc thiểu số tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn ở một số địa phương miền Trung. Thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhưng trên thực tế, các dự án dành cho bà con vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nằm trên giấy.

Với tổng nguồn vốn lên đến 137.664 tỷ đồng và sau hơn 2 năm triển khai, nhiều địa phương rơi vào tình trạng tiền nằm im trong Kho bạc, còn dân nghèo chờ dự án. Thực trạng nhức nhối này phải chăng do người dân “cầm đèn chạy trước ô tô”, chính quyền địa phương tắc trách hay vướng mắc về cơ chế khiến nguồn vốn Chương trình được đánh giá là ưu đãi vượt trội và toàn diện so với trước đây lại bị “nhốt” trong Kho bạc?

Căn nhà của gia đình ông Hồ Văn Thí, ở thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã làm xong từ năm ngoái, nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ

Làm được nhà mới mà lo hơn mừng, đó là tình cảnh hiện tại của các hộ dân nghèo dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là những hộ nghèo đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ tiền làm nhà ở của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.

Mới chỉ nghe thông báo được hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà, ông Hồ Văn Thí, ở thôn 5, xã vùng cao Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã đi vay mượn tiền làm nhà mới. Nhà làm xong chờ mãi không thấy tiền hỗ trợ, còn chủ nợ thì ngày nào cũng đến đòi tiền.

Người dân cho biết: "Nhà làm được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho bà con. Làm xong nhà hết 40 triệu đồng nhưng cứ đợi nhà nước miết, chưa cấp tiền cho bà con.

Lúc đó không có tiền, phải đi ghi nợ tôn, mua đinh ở quán ngoài trung tâm xã, công thợ cũng nợ. Tấm tôn này họ cũng chở đến, mình ghi nợ, chừ không có tiền trả cho họ. Bây giờ bên thợ, bên chủ quán đến đòi nợ miết. Nếu họ tháo dỡ cái nhà ni để trừ nợ thì bà mẹ già biết ở chỗ nào. Bà mẹ già ni còn nhà đâu mà ở nữa".

Người dân miền núi cao rất vất vả khi vận chuyển vật liệu về làm nhà.

Làm được căn nhà mới tạm gọi là vững chãi ở nơi hẻo lánh, đặc biệt khó khăn này là niềm mơ ước cả đời của người dân nơi đây.

Ông Hồ Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn xã có 220 hộ nghèo nằm trong danh sách được hỗ trợ tiền làm nhà của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025. Cả 8 hộ nghèo đợt đầu tiên đã xây xong nhà từ cuối năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ nên Dự án này tạm dừng lại.

Tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 8 hộ nghèo đã làm nhà xong nhưng chưa được nhận tiền hỗ trợ.

“Huyện giao cho xã thực hiện 8 nhà, xã đã làm xong. Tuy nhiên, xã chưa rút được tiền để chi trả cho dân. Bây giờ, làm hồ sơ thủ tục rút tiền để thanh quyết toán cho người dân rất khó. Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ tiền nhưng sợ không dám làm nhà, vì sợ sẽ rơi vào tình trạng giống các hộ kia”- ông Vân cho hay.

Vì sao xảy ra sự tắc trách?

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thừa nhận có sự nóng vội và thiếu sót trong quá trình thực hiện. Năm 2022, khi triển khai hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở của Dự án 1 thuộc Chương trình này thì chưa có hướng dẫn cụ thể về sử dụng nguồn vốn nên địa phương lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ người dân làm nhà ở.

Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thừa nhận có sự thiếu sót trong quá trình phân bổ vốn hỗ trợ làm nhà ở hộ nghèo.

Theo đó, mỗi hộ được Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ thêm tối thiểu 4 triệu đồng. Địa phương cho phép người dân vay mượn tiền làm nhà trước rồi sẽ hỗ trợ thanh toán sau. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2023 về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung của dự án thuộc Chương trình vừa nêu. Quyết định của Thủ tướng quy định cụ thể việc triển khai Dự án 1 sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản, địa phương phải làm thủ tục điều chỉnh vốn.

Ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giải thích: “Tại thời điểm đó, văn bản chưa rõ ràng. Khi nhận định nguồn vốn để hỗ trợ, mình chưa phân biệt được, mình ở cấp dưới nghiên cứu chưa kỹ, chưa sâu vấn đề này. Cho nên mình phân bổ vốn sự nghiệp để hỗ trợ làm nhà là không đúng nguồn. Lỗi do ý kiến chủ quan của Phòng Dân tộc huyện tham mưu phân bổ nguồn vốn bị sai. Chắc chắn chúng tôi phải nhận lỗi”.

Trớ trêu thay, có trường hợp hộ nghèo nằm trong danh sách được hỗ trợ tiền làm nhà nhưng khi làm xong nhà, họ không còn là hộ nghèo và không được hỗ trợ tiền từ Chương trình này như trường hợp của bà Hồ Thị Duyên ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Căn nhà của bà mới xây xong phần thô đành bỏ dở giữa chừng, phải phủ tạm tấm bạt che nắng, che mưa qua ngày. 

Bà Hồ Thị Duyên, ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm nhà xong thì ra khỏi hộ nghèo nên không được nhận tiền hỗ trợ.

“Ngay từ đầu nếu tôi mà biết không được hỗ trợ tiền chắc không dám đập nhà cũ để xây nhà mới. Bây giờ nợ nhiều quá, hiện đang làm nhà dở dang mà không có tiền để làm nữa” - bà Hồ Thị Duyên không ngờ gia đình mình rơi vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất như thế này.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ tiền giúp hộ nghèo làm nhà ở của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại nhiều địa phương miền Trung phải tạm dừng. Vì sao có chuyện này?. Theo Quyết định số 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ triển khai Dự án 1 của Chương trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công có quy định, công trình sử dụng vốn đầu tư công bắt buộc phải lập dự án, tổ chức đấu thầu, thanh quyết toán theo Luật đầu tư. Thế nhưng, theo ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi thì làm một ngôi nhà hỗ trợ 40 triệu đồng mà bắt dân phải lập dự án, tổ chức đấu thầu là gây khó cho cả chính quyền địa phương lẫn người dân.

Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thủ tục triển khai dự án rườm rà gây khó cho cả chính quyền địa phương và người dân.

“Hỗ trợ làm nhà ở bên Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện vốn sự nghiệp, không cần lập dự án, chỉ cần hộ đó có trong danh sách là triển khai, chính quyền địa phương nghiệm thu và thanh quyết toán.

Đối với hỗ trợ hộ nghèo theo Nghị quyết 88 của Quốc hội sử dụng vốn đầu tư công, nhưng vốn đầu tư công trong hướng dẫn cũng không rõ quy trình lập hồ sơ hỗ trợ đối với nhà ở như thế nào. Hồ sơ thanh toán đối với hỗ trợ nhà ở, hiện nay chưa hướng dẫn có lập dự án để hỗ trợ nhà ở hay không và cơ chế thanh toán hỗ trợ nhà ở theo vốn đầu tư là như thế nào”- ông Đỗ Đình Phương nói. 

Bà Hồ Thị Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, tại tỉnh Quảng Trị, ngoài ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách địa phương cấp thêm 10 triệu đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kêu gọi ủng hộ thêm mỗi hộ 20 triệu đồng, bình quân mỗi căn nhà thuộc diện này được hỗ trợ 70 triệu đồng. Nếu bà con vay thêm 40 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội thì mỗi căn nhà hơn 100 triệu đồng sẽ đảm bảo 3 cứng theo tiêu chí đã quy định. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đã có nhưng không thể triển khai do vướng thủ tục. khi cán bộ muốn giúp dân nghèo làm nhà ở thì lại vướng thủ tục.

“Đề án của Ủy ban Mặt trận trên cơ sở phối hợp với Ban Dân tộc và Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có thêm tiền để làm nhà. Nếu Ban Dân tộc giải ngân thì Ủy ban Mặt trận tỉnh cũng vào hỗ trợ song cùng. Hiện nay, phía Ủy ban Mặt trận và tỉnh đã có tiền nhưng cũng không giải ngân được. Cho nên bên Ủy ban Mặt trận hối thúc Ban Dân tộc giải ngân nhưng nguồn vốn 40 triệu đồng của kênh Dân tộc miền núi bị tắc, chưa giải ngân được, cho nên Đề án của Ủy ban Mặt trận cũng bị tắc không hỗ trợ được” - bà Hồ Thị Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị trăn trở.

Sự chậm trễ và ách tắc trong triển khai Chương trình này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều gia đình đã nghèo lại nghèo thêm bởi khoản nợ xây nhà chưa trả được. Trong số 10 dự án thành phần của Chương trình, có dự án mới triển khai đã phải dừng lại, có dự án chỉ nằm trên giấy, không thể triển khai. Vì sao một chính sách nhân văn, vì người nghèo lại gây khó cho người nghèo? Chúng tôi tiếp tục trở lại vấn đề này trong tiếp theo của loạt phóng sự này. 

Đình Thiệu - Long Phi (VOV-Miền Trung)

Tin mới