Chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tháng 7/2015, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ, đánh dấu cột mốc rất lớn trong quan hệ hai nước. Lúc này hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển trên mọi mặt.
Tại thời điểm đó, những khó khăn gặp phải trong chuyến đi này là thủ tục lễ tân, vì nước Mỹ chưa có quy định về thủ tục đón người đứng đầu của một đảng phái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2015. (Ảnh: Reuters)
Nhưng khi làm việc với phía Mỹ, chúng ta lấy tư cách là người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, đứng đầu đất nước Việt Nam và cần phải có cuộc gặp với người đứng đầu hệ thống chính trị nước Mỹ.
Do đó, việc đạt được nội dung về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng rõ nhất, cao nhất về việc tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.
Trong chuyến thăm năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã có cuộc hội đàm rất dài, hơn 70 phút. Đầu tiên, hai bên trao đổi nhiều câu chuyện, trong đó nhìn lại 20 năm quan hệ song phương và đánh giá về những bước phát triển vượt bậc và được cụ thể hóa bằng việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Thứ hai, Việt – Mỹ nhất trí khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong đó có việc Mỹ giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh và tẩy độc (như ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa).
Thứ ba, hai bên khẳng định mong muốn hướng tới khuôn khổ hợp tác ổn định lâu dài trong tương lai và phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Nội dung trao đổi giữa hai bên rất lớn. Cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đều nói rằng, nếu 20 năm trước, ít ai có thể hình dung rằng, người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam và người đứng đầu hệ thống chính trị của Mỹ cùng ngồi với nhau đàm phán về quan hệ hai nước, xây dựng tương lai quan hệ song phương tại Nhà Trắng.
Thứ tư, trong chuyến thăm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã thông qua những tuyên bố và tầm nhìn quan hệ 2 nước Việt – Mỹ. Theo đó, hai nước khẳng định hướng tới tương lai phát triển mạnh mẽ hơn nữa về các mặt song phương, trên phương diện khu vực và quốc tế, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện.
cuu-dai-su-pham-quang-vinh-46-1590156452722661259591.jpg
Kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ không chỉ mang tính dấu mốc, mà còn là dịp để hai bên nhìn lại, rà soát và nâng cấp mối quan hệ, trên tất cả các mặt.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo về quan hệ, trong đó có cả nguyên tắc về tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi. Và nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Chính những nội dung đó đã khẳng định, bản thân chuyến thăm của Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên và rất đặc biệt. Từ những kết quả đạt được, đây được xem là chuyến thăm lịch sử.
Trở lại 5 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, hai nước Việt – Mỹ đã ra Tuyên bố tầm nhìn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện được xác lập vào năm 2013, và đặc biệt là thể hiện tầm nhìn khuôn khổ hợp tác lâu dài giữa hai bên.
Tiếp đó, nhấn mạnh chỉ đạo chiến lược, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây chính là gốc rễ của câu chuyện hợp tác giữa 2 nước có chế độ chính trị khác biệt nhau.
Bên cạnh đó, 5 năm qua đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ 2 nước. Ví dụ như kim ngạch thương mại song phương, năm 2015 là hơn 40 tỷ USD, và hiện nay đạt mốc 75-77 tỷ USD.
Một khía cạnh quan trọng nữa là hợp tác về an ninh quốc phòng cũng đã tăng lên tốt đẹp. Hai nước ra Tuyên bố về tầm nhìn hợp tác quốc phòng và đến năm 2018 có chương trình hành động cụ thể.
Câu chuyện về hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác đều được tăng cường, trong đó đặc biệt là hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực, mà 2 bên cùng quan tâm.
Ví dụ như việc Mỹ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực An ninh hàng hải, hỗ trợ tàu tuần tra biển.
Hai bên cũng phối hợp với nhau trong các Diễn đàn của ASEAN về các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ở khu vực. Trong đó có vấn đề nguồn nước sông Mê Kông, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hòa bình an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Nhìn vào mặt chính trị, chúng ta thấy có những bước tiến rất lớn. Sau chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016. Chuyến thăm đó cũng khẳng định quan hệ hai nước tiếp tục được nâng lên.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, Tổng thống Obama công bố dỡ bỏ rào cản, có thể nói là cuối cùng của thời kỳ cấm vận, đó là lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam từ phía Mỹ.
Rồi đến 2017, khi nước Mỹ có Tổng thống mới, quan hệ hai nước vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển. Và đến tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thăm Mỹ. Đó là chuyến thăm của một lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Và tháng 11/2017,Tổng thống Donald Trump không chỉ đến dự Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, mà còn thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ở Hà Nội.
Gốc rễ là niềm tin
25 năm qua, 2 nước Việt – Mỹ đi từ cựu thù rồi bình thường hóa, sau đó trở thành đối tác của nhau và trở thành Đối tác toàn diện.
Cái gốc của vấn đề là lòng tin, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Điều này đã được ghi vào Tuyên bố tầm nhìn trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ năm 2015.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tiếp đó là việc hai bên mong muốn mở rộng hợp tác, đặc biệt là sau này mở rộng khuôn khổ hợp tác toàn diện, đan xen lợi ích, hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực, an ninh, quốc phòng, khoa học, giáo dục.
Ví dụ về giáo dục, hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam theo học ở các trường đại học của Mỹ. Hàng năm hơn 1 triệu người Mỹ đi du lịch tới Việt Nam.
Mặc dù hai nước vừa có lợi ích song trùng, nhưng cũng có những khác biệt.
Đó là khác biệt về lợi ích, thể chế chính trị. Tuy nhiên, hai bên đã tạo ra các cơ chế đối thoại xây dựng, để xử lý cái khác biệt đó để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Đó là chiều sâu trong quan hệ của hai nước.
Về kinh tế, những năm 1994-1995 khi dỡ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai bên chỉ có nửa tỷ USD. Tới 2020 này, thương mại Việt – Mỹ đạt mốc 75-77 tỷ USD, gấp 150 lần.
Quan hệ chính trị, ngoại giao 2 nước được làm sâu sắc trên tất cả các mặt, đặc biệt là với nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo 2 bên.
Cả 4 đời Tổng thống Mỹ gần đây đều tới thăm Việt Nam, từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), sau đó là chuyến thăm của Tổng thống George Bush (năm 2006). Tiếp đó là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama (năm 2016). Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong năm đầu nhiệm kỳ đầu tiên.
Chúng ta có các chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), và của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013).
Đặc biệt năm 2013, Việt – Mỹ thông qua tuyên bố về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Và đến năm 2015, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mới đây, vào năm 2017 là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hiện nay, quan hệ hai nước trên lĩnh vực quốc phòng cũng được từng bước nâng cao.
Video: Quan hệ Việt - Mỹ qua những chuyến thăm lịch sử
Trước đây, hai bên chỉ có bản Ghi nhớ về hợp tác Quốc phòng Việt Mỹ năm 2011, tới năm 2015 nâng lên thành Tuyên bố tầm nhìn hợp tác Quốc phòng Việt - Mỹ. Hiện tại 2 nước thực hiện chương trình hành động 3 năm (2018-2021) về hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.
Nội dung hợp tác tập trung vào thông tin đào tạo, giúp đỡ cứu trợ nhân đạo, khắc phục thảm họa, quân y, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tăng cường năng lực an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Mỹ bắt đầu chuyến giao tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam.
Kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, vì thế không chỉ mang tính dấu mốc, mà còn là dịp để hai bên nhìn lại, rà soát và nâng cấp mối quan hệ, trên tất cả các mặt.
Nhiều người nói về câu chuyện là Đối tác toàn diện hay Đối tác chiến lược. Bây giờ, việc gọi tên như thế nào sẽ là câu chuyện hai nước tiếp tục bàn. Nhưng chắc chắn Việt – Mỹ sẽ phải nâng tầm về quan hệ Đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực. Bởi vì quan hệ Việt – Mỹ hiện nay thực chất đã mang cả tầm “toàn diện” và“chiến lược”.