Video: Tâm sự của nữ công nhân bệnh nặng bị Công ty cổ phần Ô tô 1-5 nợ lương hơn nửa năm
Người phụ nữ lặng lẽ bước chầm chậm vào cổng Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Hôm nay, bác sĩ hẹn chị đến làm xét nghiệm sinh thiết. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ mấy hôm nhưng chị không giấu được sự lo lắng và sợ hãi trên khuôn mặt.
Người phụ nữ nhỏ bé ấy là chị Phạm Thị Dương, sinh năm 1974, quê ở Thái Nguyên, là nhân viên của Công ty cổ phần Ô tô 1-5 nhưng đang bị cho nghỉ việc không lương từ tháng 9/2020.
Nỗi đau mất chồng, nỗi buồn mất việc
Năm 2003, sau khi xây dựng gia đình, chị Dương cùng chồng rời vùng quê Thái Nguyên xuống lập nghiệp tại thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Chị xin vào làm nhân viên nấu ăn cho Công ty cổ phần Ô tô 1-5. Với đồng lương ít ỏi, hai vợ chồng đùm bọc nhau sống những tháng ngày hạnh phúc, rồi chị sinh hai cậu con trai kháu khỉnh, cuộc sống êm đềm cứ thế dần trôi qua.
Rồi một ngày biến cố xảy đến với gia đình chị. Năm 2014, chồng chị phát hiện mắc chứng bệnh ung thư hạ họng. Hai vợ chồng như sống bên bờ vực tuyệt vọng, chị hàng đêm vùi mình vào gối khóc thương cho chồng, cho số phận của mình và các con, nhưng chị không nói ra, cứ động viên anh chữa bệnh, ‘còn nước còn tát’. Tiền bạc rồi tài sản cứ theo những lần xạ trị của anh lần lượt đội nón ra đi.
Năm 2017, sau 3 năm chống chọi với bệnh tật, anh ra đi, để lại cho gia đình khoảng trống không thể nào bù đắp. Thương con, từ tâm trạng suy sụp chị vực lại chính mình để thay chồng làm trụ cột, làm chỗ dựa cho hai con thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn.
Người phụ nữ một mình nuôi 2 con khôn lớn không giấu được sự lo lắng khi nhận thêm hung tin về khối u đang mang trong mình.
“Ngay đến xây cái nhà thì cũng toàn tiền gia đình bố mẹ, anh chị hỗ trợ chứ chồng tôi lúc đó ốm làm gì có tiền mà xây nhà. Làm ở Công ty cổ phần Ô tô 1-5 khi thì được 3 triệu, lúc được 2 triệu thì lấy đâu ra tiền mà xây nhà, thời điểm đó chồng tôi thường xuyên phải đi viện. Đến lúc chồng mất thì tôi cũng không có tiền mà lo hậu sự cho chồng, toàn bộ gia đình hỗ trợ vun vén cùng lo hậu sự”, chị buồn rầu tâm sự.
4 năm vắng chồng, chị như chiếc bóng lẻ loi và hiu quạnh, niềm động viên lớn nhất của chị là hai người con đang từng ngày khôn lớn. Cháu lớn đã ra trường đi làm, cháu thứ hai sau khi tốt nghiệp cấp 3 xung phong vào quân ngũ.
Năm 2020 một lần nữa khó khăn lại ập đến, chị Dương và hơn 100 nhân viên bị công ty cho nghỉ việc không lương và không rõ lý do. Chị hỏi lãnh đạo Công ty cổ phần Ô tô 1-5 nhưng họ chỉ nói do hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, công ty thua lỗ nặng nề nên phải cho nhân viên nghỉ việc.
“Năm 2019, tôi đang là nhân viên nấu ăn ở công ty, do kinh tế công ty khó khăn nên thường xuyên phải đi mua chịu thực phẩm ăn uống cho cán bộ nhân viên, và tự phải bỏ tiền túi ra.
Khi tôi nợ nhiều tiền mua thực phẩm ở hàng quán quá thì có nhiều tiểu thương mắng chửi, doạ đánh nếu không trả tiền. Tôi cũng nhắn tin nói chuyện với công ty về vấn đề chi trả tiền để gửi tiền mua thực phẩm ăn uống. Một tuần sau, công ty chi trả số tiền tôi bỏ ra mua thực phẩm, thức ăn cho công nhân. Tôi hết lòng vì công ty mà phải chịu mắng chửi, nhưng đến khi họ cho thôi việc thì chẳng bao giờ họ nghĩ cho những nhân viên như chúng tôi”, chị chia sẻ.
Chị Dương cho hay hiện tại Công ty cổ phần Ô tô 1-5 còn nợ của chị tổng cộng 7 tháng lương (3 tháng lương của 2019 và 4 tháng của 2020). Ngoài ra, công ty này còn nợ chị 4 năm 1 tháng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Chị hỏi công ty vì sao không đóng bảo hiểm thì chỉ nhận được sự im lặng.
Món canh và vài miếng chả từ bữa cơm chiều hôm trước, chị để dành lại đến bữa chiều hôm sau.
Sau khi bị công ty cho nghỉ việc không lương, chị Dương tìm mọi cách để bươn chải kiếm tiền, ai thuê gì làm đó, từ rửa bát lau nhà đến buôn thúng bán mẹt. Người phụ nữ quần quật lam lũ cả tháng cũng kiếm được khoảng 4 triệu đồng, chỉ đủ trang trải tiền sinh hoạt gia đình chứ không mua sắm gì cho bản thân.
Bữa ăn của hai mẹ con hôm nào thịnh soạn thì có miếng giò, miếng chả, ăn không hết chị lại cất vào tủ để dành cho ngày mai. Chị bảo hôm nào con đi vắng chị chẳng bao giờ nấu cơm, cứ làm gói mì tôm hay ăn tạm cái bánh mì là xong bữa.
Cuộc sống dưới đáy vực sâu
Một ngày đầu tháng 7, chị Dương cảm thấy không khoẻ và giật mình khi thấy ho cả ra máu. Chị lo sợ và chợt nhận ra thời gian vừa qua sức khỏe đi xuống và ho suốt nhưng chị không đi khám bởi nghĩ chỉ là bệnh viêm họng bình thường, cũng một phần do không có tiền để đi khám bệnh.
Tuần vừa rồi lo sợ bệnh tình tiến triển xấu, chị vay mượn được 1 triệu đồng, nhờ con trai chở sang bệnh viện Ung bướu Hà Nội để khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ nhìn chị với ánh mắt ái ngại và thương cảm khi thông báo chị bị u phổi, đường kính khối u đã lên tới 5,6cm.
Bác sĩ động viên chị bình tĩnh, yêu cầu chị nhập viện nhưng chị xin về rồi lên tái khám sau vì chị biết nếu nhập viện cũng chẳng có tiền để trả viện phí.
“Tôi cũng nghĩ rất nhiều, nếu tôi mắc bệnh hiểm nghèo thì sau này con cái, gia đình biết sống thế nào. Các con đã vắng bóng cha rồi, bây giờ lại vắng bóng mẹ nữa thì biết sống sao. Điều tôi mong muốn nhất là công ty chi trả lương và bảo hiểm để tôi có tiền đi khám chữa bệnh và còn có quyền lợi cho bản thân”, chị Dương nói rồi lấy tay lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
Hôm biết tin bị u phổi, chị gọi điện cho bố mẹ đẻ và các anh chị em trên nhà, tìm những lời động viên, chia sẻ của người thân để vơi đi phần nào nỗi buồn mình đang phải chịu đựng. Là con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em, chị là người lấy chồng xa gia đình nhất. Nhưng trong lúc này, những người thân cũng chỉ biết an ủi qua điện thoại và hy vọng dịch bệnh COVID-19 sớm qua đi để họ có thể xuống thăm chị.
Nhận phiếu hẹn lấy kết luận sinh thiết sau 7 ngày nữa, chị Dương chỉ cầu mong khối u của mình là lành tính.
Con trai lớn của chị là cháu Nguyễn Huy Phương đang đi làm xa, khi biết tin mẹ bị bệnh đã nghỉ việc về nhà. Cậu thương và lo cho mẹ nên không còn tâm trí để đi làm việc nữa.
“Thương con, tôi khuyên là mẹ còn không nghĩ nhiều thì con nghĩ làm gì. Nhiều lúc thấy con không ăn cơm tôi cũng buồn không muốn ăn. Tôi động viên con là ông trời có mắt nên sẽ không bất công với mình đâu.
Nhiều khi cháu cũng trách “bảo mẹ đi khám đi, mẹ không đi”. Tôi chống chế với cháu là do mẹ bận quá nên quên không đi khám. Nhưng con đâu biết rằng nhiều khi tôi cũng muốn đi lắm, nhưng lấy đâu ra tiền mà đi”, nữ công nhân tâm sự.
Chị Nguyễn Hải Hà, đồng nghiệp của chị Dương ở trong Công ty cổ phần Ô tô 1-5 cho biết, chị Dương là người hiền lành, thật thà, chất phác và rất chăm chỉ trong công việc.
“Thực ra đến hôm nay tôi mới được biết chị Dương bị bệnh như vậy. Tôi cảm thấy rất đau lòng nên rất mong công ty giải quyết vấn đề tiền lương cho chị Dương để chị có tiền đi khám chữa bệnh. Hiện tại, chị không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nên không có chút quyền lợi nào. Tôi cũng rất lo lắng không biết sắp tới chị ấy lấy tiền đâu mà đi khám chữa bệnh”, chị Hà nói.
Cuối giờ chiều tại phòng xét nghiệm Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chị Dương ngồi lặng lẽ một góc, tay cầm phiếu hẹn chờ 7 ngày sau lấy kết luận sinh thiết từ bác sĩ. Chị nhắm mắt hít một hơi dài rồi lấy lại bình tĩnh sau khi xét nghiệm xong.
Chị cầu mong kết quả xét nghiệm khả quan để còn sức nuôi hai con. Chị không muốn hai con đã vắng bóng cha rồi một ngày lại không còn dáng mẹ.
Cậu con trai đến dìu mẹ bước ra ngoài hành lang, lặng lẽ ra về. Hai mẹ con lên xe, hòa lẫn vào dòng người tấp nập đang di chuyển trên các con đường của Hà Nội.
Trả lời VTC News, ông Trần Thành Nam - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Ô tô 1-5 cho biết, vấn đề người lao động phản ánh về việc bị nợ lương và chưa được công ty đóng bảo hiểm là hoàn toàn chính xác, đây là thực trạng đang tồn tại.
Theo đó, công ty nợ của hơn 100 người lao động với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng và nợ bảo hiểm số tiền hơn 14,6 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 7,9 tỷ đồng, nợ lãi là 6,7 tỷ đồng.
Theo ông Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những năm gần đây tình hình kinh doanh của công ty sụt giảm nghiêm trọng, lượng xe không tiêu thụ được nhiều, không có việc làm nên phải cho người lao động làm nghỉ việc tạm thời.
Ngày 7/7, công ty đã trả 1 tháng lương cho hơn 100 công nhân, trong thời gian tới sẽ cân đối tài chính và trả thêm.
“Về trường hợp của chị Phạm Thị Dương, nhờ VTC News thông tin chúng tôi mới nắm được tình hình ốm đau của chị ấy như vậy. Tôi sẽ thông tin đến ban lãnh đạo công ty và sẽ họp anh em để xử lý toàn bộ tiền lương và bảo hiểm cho chị ấy đầu tiên, cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ trả tiền để chị Dương có chi phí chữa bệnh”, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô 1-5 nói.