Những đứa trẻ lớn lên cạnh sông Hồng không còn lạ gì loài sinh vật mang tên vật vờ (hay vờ vờ). Đây là một loại côn trùng có tuổi đời ngắn nhất, thường chỉ kéo dài vài tiếng, cùng lắm là một tuần từ lúc còn là ấu trùng cho tới khi lột xác thành vật vờ trưởng thành.
Loài vật vờ sống ở sông Hồng. (Ảnh: Xuân Thanh)
Đặc sản sông Hồng thường chỉ xuất hiện một lần trong năm, từ khoảng tháng 2 - tháng 4 Âm lịch. Thời gian này, người dân ven sông sẽ đi hớt vật vờ để chế biến ra nhiều món ngon.
Vật vờ có tuổi đời rất ngắn nhưng đã lưu danh là món đặc sản ai cũng nên ăn một lần trong đời. (Ảnh: Dương Mạnh Cường)
Để thu hoạch vật vờ, người dân phải canh thời tiết và con nước sao cho chuẩn. Dĩ nhiên, không phải khúc sông Hồng nào cũng có vật vờ. Ngã ba sông nhiều đất thịt là chỗ loài côn trùng này làm tổ, muốn bắt được chúng thì phải canh từ lúc 3 - 6 giờ sáng, đốt đuốc cho sáng để chúng tụ lại rồi hớt bằng vợt.
Người dân thường bắt vật vờ vào lúc sáng sớm. (Ảnh: Dương Mạnh Cường)
Vật vờ sau khi được thu hoạch. (Ảnh minh họa)
Không như nhiều loài côn trùng khác chỉ được nướng hoặc chiên, vật vờ được người Hà Nội đem đi nấu đủ món, từ nộm, xào ngổ, rang với lá mắc mật, làm chả, nấu với cá ngạnh đến thả vào lẩu riêu cua,...
Vật vờ đem đi nấu canh thì ngọt nước, đem đi xào hay chiên thì giòn tan, béo ngậy. Những ai từng ăn rồi lại muốn ăn nữa, đến mùa mà không được thưởng thức thì lại cảm thấy thiếu thiếu, phải tìm mua cho bằng được.
Vật vờ được chế biến thành nhiều món ngon. (Ảnh: Uyển Hương)
Món chả vật vờ với trứng gà. (Ảnh: Hương Nguyễn)
Vật vờ rang lá mắc mật. (Ảnh minh họa)
Vật vờ nấu lẩu riêu cua. (Ảnh minh họa)
Trước đây, vật vờ chỉ là món ăn dân dã của người dân làng chài, thế nhưng số lượng ngày càng khan hiếm giúp chúng trở thành của ngon vật lạ, được nhiều người săn lùng. Giá bán ngoài thị trường vì thế cũng tăng cao, có khi lên đến tiền triệu cho một kg vật vờ.