Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cổ phiếu công ty con của Vingroup tăng vọt 60% sau 1 tuần

Cổ phiếu VEF bật tăng trần và cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, chỉ qua 1 tuần, VEF lên giá 62%.

Lực bán tăng mạnh về cuối phiên hôm nay (17/5), sắc đỏ bao trùm nhiều nhóm ngành. Ngược dòng thị trường, cổ phiếu bất động sản giao dịch có phần tích cực hơn. Cổ phiếu công ty con của Vingroup tăng giá hơn 60% chỉ trong 1 tuần.

Sau 2/3 thời gian giao dịch đi ngang, về cuối phiên, khi áp lực bán ở nhóm VN30 lớn dần, VN-Index đánh mất sắc xanh. Tại rổ VN30, 23 cổ phiếu giảm giá, áp đảo hoàn toàn so với 4 mã tăng. Tác động tiêu cực nhất đến chỉ số là các cổ phiếu ngành ngân hàng, dẫn đầu là VPB đóng cửa giảm 2% xuống 19.200 đồng/cổ phiếu. CTG, TCB, MBB lần lượt theo sau, nới rộng thêm đà giảm của thị trường.

NVL giảm mạnh nhất nhóm VN30, “bốc hơi” 2,6% xuống 13.300 đồng/cổ phiếu. Rổ VN30 còn có SSI, TPB, VPB giảm trên 2%. Còn lại, gần 20 cổ phiếu VN30 giảm trên dưới 1%.

Sắc đỏ áp đảo trên thị trường, các ngành xây dựng, vật liệu, dầu khí, hoá chất, bán lẻ… cũng đồng loạt đi lùi. Trong khi đó, nhóm bất động sản có phần tích cực hơn thị trường chung.

VHM là trụ đỡ chính cho thị trường với việc tăng 2,3% lên 53.400 đồng/cổ phiếu. VIC cũng tăng nhẹ 0,6% trong ngày doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông. TCH, BCM… cùng tăng giá. Tuy nhiên, điểm nhấn ở nhóm bất động sản vẫn là cổ phiếu nhỏ, vừa. Dòng tiền đầu cơ vẫn ưu ái nhóm này, LDG, DXS, QCG tăng trần.

Công ty con của Vingroup là Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEFAC (VEF) vừa công bố kế hoạch tăng vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng. Cổ phiếu VEF bật tăng trần và cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. Chỉ qua 1 tuần, VEF lên giá 62%.

Chỉ qua 1 tuần, VEF lên giá 62%, thanh khoản cũng tăng dần.

Cụ thể, tài liệu họp đại hội cổ đông năm 2023 của VEF cho biết, doanh nghiệp dự trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.666 tỷ đồng lên 10.196 tỷ đồng.

Số tiền huy động dự kiến đạt 8.529 tỷ đồng, VEF sẽ dùng để triển khai thực hiện các dự án: đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội (6.976 tỷ đồng) và dự án trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (1.467 tỷ đồng).

Cổ phiếu khác cũng đang trong chuỗi phiên tăng giá mạnh là DDC của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương. Vừa kết thúc chuỗi 19 phiên giảm sàn liên tiếp, đến ngày 10/5, DDG bắt đầu tăng trần. Hôm nay là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này, và theo quy định, DDG sẽ phải giải trình về biến động giá hiện nay. Hiện, DDG đang ở mức 10.300 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,47 điểm (0,51%) xuống 1.060,44 điểm. HNX-Index giảm 1,76 điểm (0,82%) xuống 212,86 điểm. UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,11%) xuống 80,57 điểm.

Thanh khoản gia tăng cùng với áp lực bán mạnh hơn về cuối phiên, giá trị khớp lệnh sàn HoSE hơn 12.200 tỷ đồng. Khối ngoại đảo chiều mua ròng, nhờ giao dịch đột biến ở HPG. HPG được mua ròng lên tới 215 tỷ đồng. Tính chung toàn sàn, khối ngoại mua ròng hơn 93 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố quyết định chuyển các cổ phiếu của Apax Holdings (IBC), Đầu tư Hải Phát (HPX), Chứng khoán Trí Việt (TVB), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) và Tập đoàn Tiến bộ (TTB), Xây dựng Hoà Bình (HBC) từ kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ 23/5/2023.

Nguyên nhân do các công ty trên chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Như vậy, từ 23/5, các cổ phiếu IBC, HPX, TVB, AGM, TTB, HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới