Hoa dâm bụt là cây thuộc họ Cẩm quỳ, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Loại cây này thuộc họ thân gỗ, lá viền răng cưa. Hoa dâm bụt nở quanh năm, màu sắc bắt mắt và thu hút nhiều ong bướm do nhụy hoa có vị ngọt.
Hoa dâm bụt là loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam. Loại cây này có hoa to, màu đỏ, cánh mỏng. Sau này, hoa dâm bụt có nhiều màu khác nhau do lai tạo với các loại dâm bụt ngoại nhập. Hoa dâm bụt có nhiều loại như: hoa dâm bụt đèn lồng, hoa dâm bụt Nhật, hoa dâm bụt lùn, hoa dâm bụt cánh kép...
Trước đây hoa dâm bụt được trồng nhiều ở công viên, khu công cộng nhưng ngày nay được sử dụng rộng rãi và phổ biến để trang trí bên trong nhà với các chậu cây nhỏ xinh.
Hoa dâm bụt được trồng nhiều ở khu vực công cộng. (Ảnh: T.H)
Nhiều người cho rằng, hoa dâm bụt rực rỡ với ý nghĩa mang lại may mắn, tài lộc. Hoa dâm bụt như cái lọng che nắng với ý nghĩa che chở, mang lại bình an cho gia chủ.
Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng, hoa dâm bụt không mang ý nghĩa tốt đẹp, thường chỉ người phụ nữ không đoan chính. Vì vậy, loài cây này không được nhiều người trồng ở vườn nhà.
Ở một số nước trên thế giới, hoa dâm bụt có ý nghĩa tốt đẹp. Điển hình như ở Trung Quốc, hoa dâm bụt là biểu tượng cho sự kiêu kỳ và vẻ đẹp danh tiếng.
Ở Bắc Mỹ, cây dâm bụt là biểu tượng cho người vợ hoặc người phụ nữ hoàn hảo. Hoa dâm bụt Hibiscus Brackenridgei cũng được xem là đại diện cho đảo Hawaii. Người dân khu vực này quan niệm rằng, hoa dâm bụt trong phong thủy là loài hoa mang ký ức, hoài niệm, biểu tượng của những hồi ức tuổi thơ, trong sáng và êm đềm. Đồng thời, nó cũng mang lại sự may mắn, hạnh phúc, tài lộc.
Chính vì thế, tùy theo quan niệm và sở thích mà bạn có thể trồng hoa dâm bụt trước nhà.
Khi trồng loại cây này, bạn nên lưu ý hoa dâm bụt có nhiều màu nên bạn có thể chọn màu sắc phù hợp với bản mệnh của mình. Hoa dâm bụt chủ yếu có màu đỏ nên hợp với người mệnh Hỏa và Thổ. Trên thực tế thì loài hoa này còn nhiều màu như vàng, trắng, tím... Vì thế những người mệnh Kim cũng có thể trồng cây này.
Ngoài ý nghĩa về mặt phong thủy, trong y học dân gian sử dụng hạt, lá, hoa, thân cây dâm bụt để làm thuốc. Một số bộ phận của cây dâm bụt, trong đó có hoa, cũng được dùng trong ngành thực phẩm với nhiều mặt hàng như mứt, thạch, nước sốt, siro và trà.
*Thông tin mang tính tham khảo