Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 24/7, cả nước thêm 748 ca COVID-19, đến 27/7, số ca mắc là 1.761. Như vậy chỉ trong 4 ngày, số người nhiễm nCoV tăng hơn hai lần. Báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ngày 28/7 cho thấy so với tuần trước, số ca mới tăng 43,3%. Ngày 29/7, 1.803 ca mắc COVID-19 mới - cao nhất trong 75 ngày qua.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, chưa mất đi, biến thể mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh hơn, trong khi đó, miễn dịch của COVID-19 không bền vững, người từng mắc COVID19 sau thời gian sẽ bị lại.
Điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, hiệu quả của vaccine COVID-19 cũng giảm theo thời gian. Khi miễn dịch giảm đi, số ca mắc chuyển nặng tăng lên, đặc biệt ở nhóm nguy cơ như người già, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ em chưa tiêm vaccine, người suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân khác, theo ông Phu là chúng ta đã nới lỏng toàn bộ các hoạt động, người tiếp xúc người với người tăng, một số còn có có tâm lý chủ quan (đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn cũng ít đi), việc cách ly người bệnh cũng giảm.
Trước thực tế trên, ông Trần Đắc Phu cho rằng, ngành Y tế cần đánh giá tốt nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh hiện tượng không kiểm soát được dịch bệnh. “Chúng ta thực hiện nới lỏng đồng bộ nhưng không thả lỏng vì COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta nới lỏng nhưng phải dự phòng đồng bộ và kiểm soát rủi ro”, ông Phu nói.
Người dân cũng nên thực hiện tốt biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đặc biệt chú ý nguy cơ tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh, dự phòng đám đông, môi trường kín.
Về việc tiêm vaccine phòng bệnh, chuyên gia lưu ý người không tiêm vaccine thì khi mắc bệnh thường nặng hơn những người từng tiêm. Do đó, ai chưa tiêm vaccine thì nên đi, nhất là với nhóm nguy cơ cao theo khuyến cáo của Bộ Y tế. “Nếu người dân còn chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19 thì số mắc sẽ tiếp tục tăng. Lúc đó, số ca nặng tăng và có thể gây quá tải hệ thống y tế”, một chuyên gia nói.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian, dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại một số địa phương. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5-11 tuổi đảm bảo thần tốc quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.