Từ năm học 2020-2021, Việt Nam sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) bắt đầu với lớp 1 và lộ trình đến năm học 2024-2025 tất cả 12 lớp được dạy học chương trình này.
Chương trình 2018 có sự thay đổi mục tiêu giáo dục, chuyển từ nền giáo dục định hướng nội dung, tập trung vào truyền thụ kiến thức, sang nền giáo dục định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Ở chương trình 2018, chương trình là gốc, sử dụng thống nhất trong cả nước. Sách giáo khoa giờ đây chỉ là tài liệu cụ thể hóa chương trình và mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa để lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong chương trình hiện hành, cả nước đang sử dụng thống nhất một bộ sách và coi sách giáo khoa như “pháp lệnh” để dạy - học trong trường phổ thông.
Cố vấn cao cấp của Viện đo lường giáo dục Cito (Hà Lan) - ông Nico Dieteren có những chia sẻ, đánh giá về sự đổi mới chương trình - sách giáo khoa này của Việt Nam.
- Với kinh nghiệm nghiên cứu giáo dục và trực tiếp làm việc tại nhiều quốc gia, xin ông cho biết mô hình giáo dục một chương trình-nhiều sách giáo khoa, giáo dục phát triển phẩm chất-năng lực cho học sinh, đang có xu hướng phát triển thế nào?
Quá trình làm việc tại Cito, tôi có nhiều dịp đi công tác tại nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Phi, châu Á. Rất đông quốc gia trong số này cũng như nhiều nước ở châu lục khác đã và đang thay đổi nền giáo dục theo hướng chuyển từ dạy học - kiểm tra kiến thức của học sinh sang dạy học phát triển năng lực và kiểm tra đánh giá năng lực của người học.
Đồng thời, chương trình giáo dục của nhiều quốc gia được chuyển từ một chương trình-một sách giáo sang một chương trình có nhiều sách giáo khoa cho các môn học. Ở Hà Lan từ rất lâu chương trình giáo dục cũng chuyển sang dạy học và kiểm tra đánh giá năng lực cho học sinh; có nhiều sách giáo khoa trong cùng một chương trình chung thống nhất.
Có thể nói việc thay đổi chương trình, mục tiêu và phương pháp giáo dục sang đánh giá năng lực người học, có nhiều sách giáo khoa trong cùng một chương trình giáo dục, này là xu hướng quốc tế và châu lục nào cũng đang cố gắng thực hiện theo. Việt Nam đang đi đúng hướng phát triển của giáo dục thế giới
- 12 năm là giáo viên trung học của Hà Lan, ông đánh giá thế nào về lợi ích của việc dạy học theo một chương trình, nhiều sách giáo khoa?
Ưu điểm đầu tiên là cung cấp cho các trường học nhiều lựa chọn sách giáo khoa. Thực tế, các trường học khác nhau có thể có cách tiếp cận, phương pháp sư phạm và chất lượng giáo dục khác nhau. Khi có nhiều sách giáo khoa, họ có thể lựa chọn bộ sách nào phù hợp với điều kiện giảng dạy và năng lực học tập của học sinh trường mình, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Các học sinh cũng có thể lựa chọn vào học trường có dạy sách giáo khoa và phương pháp sư phạm phù hợp với năng lực của các em. Như vậy việc có nhiều sách giáo khoa còn có ưu điểm là cá nhân hóa việc dạy và học đối với từng trường, từng học sinh.
Tất nhiên, các sách giáo khoa cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu chung của chương trình tổng thể, chương trình môn học. Tức là, dù cách tiếp cận, thể hiện khác nhau nhưng nội dung khung, lượng kiến thức, mục tiêu cần đạt của các sách giáo khoa đều phải giống nhau và theo quy định chung của chương trình. Điều này nhằm đảm bảo cơ hội công bằng cho học sinh học các sách giáo khoa khác nhau trong kiểm tra đánh giá diện rộng, như đánh giá cuối cấp lớp 5, 9, 12.
Ông Nico Dieteren.
- Vậy khi thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì việc kiểm tra đánh giá diện rộng cần đáp ứng những yêu cầu gì để đảm bảo sự công bằng, chính xác, khách quan, thưa ông?
Đầu tiên đội ngũ giáo viên cần được đào tạo để thay đổi phương pháp dạy học, cách tổ chức các bài kiểm tra trong lớp, để đảm bảo tất cả học sinh được học kiến thức như nhau (dù phương pháp tiếp cận khác nhau) theo đúng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông.
Việc đánh giá diện rộng để duy trì các tiêu chí khách quan, công bằng thì cần đội chuyên gia thật mạnh để xây dựng bộ đề thi chuẩn hoá đáp ứng các yêu cầu của chương trình, phù hợp với học sinh cả nước. Tất nhiên, các bài kiểm tra này không được sử dụng bài tập hay ngữ liệu trong sách giáo khoa nào để đảm bảo sự công bằng cho các học sinh học sách giáo khoa khác nhau.
Bộ GDĐT cần quản lý, giám sát quá trình đánh giá học sinh và phải có đội ngũ chuyên gia giỏi để đánh giá chất lượng các bài kiểm tra, đánh giá quá trình đánh giá học sinh, để đảm bảo các em được dạy học và kiểm tra hiệu quả, đo lường công bằng, chính xác năng lực của người học. Từ kết quả đánh giá học sinh, Bộ GDĐT, các nhà trường, giáo viên cần điều chỉnh chương trình, cách dạy học sao cho phù hợp để phát triển được năng lực, phẩm chất của học trò.
- Chương trình hiện hành của Việt Nam là dạy học và kiểm tra kiến thức của học sinh. Tới đây Việt Nam sẽ triển khai chương trình GDPT mới với mục tiêu là phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Vậy chuyên gia có hướng dẫn gì cho các giáo viên, các nhà trường về cách tổ chức kiểm tra đánh giá sự phát triển năng lực của người học?
Để đánh giá được sự phát triển năng lực của người học thì cần thực hiện và coi trọng cả 2 dạng đánh giá định kỳ và thường xuyên.
Đánh giá thường xuyên là kiểm tra hàng tuần, hàng tháng để nắm được sự phát triển của học sinh trong quá trình học tập, đồng thời để điều chỉnh cách dạy học phù hợp với năng lực của người học và thúc đẩy được sự phát triển của các em. Đánh giá định kỳ là các bài thi, kiểm tra vào cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp, để có thể đo lường được năng lực, trình độ của học sinh so với yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Đương nhiên điểm số của bài kiểm tra định kỳ, đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm, cuối cấp là rất quan trọng vì quyết định đến việc học sinh có thể được học tiếp lên lớp trên, bậc học trên hay không; do vậy học sinh, phụ huynh rất quan tâm đến kết quả này.
Nhưng bài kiểm tra thường xuyên tổ chức tại lớp (kiểm tra 15 phút, 1 tiết) cũng vô cùng quan trọng để giám sát quá trình học tập của học sinh; từ đó các em và giáo viên có sự điều chỉnh cách học và giảng dạy sao cho phù hợp và phát triển được năng lực người học.
Việc thay đổi từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực chắc chắn sẽ có nhiều công việc, nhiều thách thức cho giáo viên. Tuy nhiên các thầy cô cần hiểu rằng quá trình này là không thể ngừng được vì cả thế giới thay đổi, các học sinh cũng thay đổi.
Chúng ta không thể áp dụng phương pháp, cách giảng dạy và kiểm tra đánh giá của nhiều năm trước cho thế hệ học sinh bây giờ. Rất nhiều thử thách cho giáo viên nhưng quá trình thay đổi này cũng mang đến nhiều thú vị cho thầy cô giáo. Thông qua quá trình này, không chỉ học sinh mà cả các giáo viên cũng được hoàn thiện bản thân, phát triển được đa dạng kỹ năng, năng lực cho bản thân.
- Các bài kiểm tra thường xuyên trên lớp cần được thực hiện theo hình thức nào để đánh giá được năng lực học sinh, thưa ông?
Quá trình đánh giá trong lớp học, các giáo viên cần sử dụng nhiều hình thức kiểm tra như: kiểm tra miệng (hoặc thuyết trình) đối với từng học sinh hoặc nhóm học sinh; sử dụng bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính; cho học sinh làm các dự án hoặc các bài thí nghiệm thực hành và kiểm tra thành phẩm...
Điều này giúp học sinh hình thành và phát triển được đa dạng năng lực, kỹ năng. Tuy nhiên, sử dụng hình thức kiểm tra đánh giá nào, giáo viên cần căn cứ vào mục đích là để kiểm tra năng lực gì của học sinh; xem xét cơ sở vật chất của nhà trường và học sinh có đáp ứng được không; đồng thời cần tính toán để phù hợp với môn học, cấp học.
Hiện Việt Nam thực hiện được đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá nêu trên. Việc giáo viên cần làm bây giờ để đánh giá được năng lực của học sinh là thay đổi cách tiếp cận, cách đặt câu hỏi. Thay vì đặt câu hỏi để kiểm tra nội dung và lượng kiến thức học sinh lĩnh hội được, các bài kiểm tra bây giờ cần đánh giá với các kiến thức học được ấy, học sinh có thể ứng dụng để giải quyết những vấn đề của cuộc sống và các em đã phát triển được những năng lực gì.
Ngoài ra, các giáo viên Việt Nam cần nhận thức rõ sự thay đổi của chương trình mới, là thay vì cô giảng trò thụ động nghe như chương trình hiện hành, thì giáo viên sẽ giao nhiệm vụ để học sinh chủ động nghiên cứu, tiếp cận và chiếm lĩnh thông tin. Nhiệm vụ của giáo viên bây giờ là kích thích học sinh tư duy, hướng dẫn và định hướng các em trong quá trình học tập. Đây cũng là khác biệt lớn nhất trong cả quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo chương trình GDPT mới của Việt Nam.