Chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương họp thông báo về kết quả phiên họp của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, liên quan 3 vụ án lớn là Vạn Thịnh Phát, AIC, Việt Á thì Thường trực BCĐ và BCĐ yêu cầu ưu tiên để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi đúng theo thời hạn luật định.
Với vụ Việt Á, về cơ bản các cơ quan tố tụng đã điều tra, làm rõ; nhưng đây là vụ án xảy ra từ Trung ương đến địa phương và xuyên suốt có đối tượng của công ty Việt Á.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên. (Ảnh: Trần Thường).
Tại cuộc họp sáng nay, Thường trực BCĐ thống nhất, theo đề nghị của Cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra trong quý 2/2023; ban hành cáo trạng truy tố, xét xử trong quý 3/2023.
Đối với 2 vụ án còn lại, yêu cầu các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn của Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho phép, quy định.
Riêng với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp với nhau để áp dụng các biện pháp cố gắng truy bắt.
"Vụ án đã đưa ra xét xử, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ bị can, thành bị cáo giờ thành bị án. Người đã có bản án, trách nhiệm của bị án là phải thi hành, Nhà nước quyết tâm thi hành. Giờ chúng ta chưa bắt được, chứ không có chuyện bắt được xong giấu ở đâu", ông Yên thông tin.
Phân hóa, xử lý các đối tượng trong vụ án đăng kiểm
Liên quan đến vụ án đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ các vi phạm, sai phạm là có thật và liên quan trực tiếp đến Cục đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải.
"Vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người. Hành vi ở đây diễn ra liên tục, nhiều cấp độ khác nhau. Giá trị tiêu cực tính bằng tiền ở đây là không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn", ông Yên nhận định.
Ông dẫn chứng, mỗi năm ở nước ta có 8.000 - 10.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó cũng có "phần lỗi của đăng kiểm không đến nơi, đến chốn".
Hai Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng và Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì buổi thông báo. (Ảnh: Trần Thường).
Ông Yên nhấn mạnh: "Có sai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phải xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến đăng kiểm phương tiện giao thông, không ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển kinh tế xã hội".
Thường trực Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý phù hợp nhất. Chủ trương là phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án, để có cơ chế đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho hay, trên cơ sở đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1) đến nay, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác này.
Tinh thần được Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ là “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải thực hiện “4 hơn” và “3 không”. “4 hơn là: tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Còn 3 không là: không đùn đẩy, không né tránh và không đỗ lỗi khách quan”, ông Đặng Văn Dũng cho biết.