Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiêm ngưỡng ngôi chùa có tượng Phật Ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam

(VTC News) -

Sau khi được trùng tu, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) có diện mạo mới, đồ sộ, xứng tầm lịch sử, đặc biệt có pho tượng Phật Ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

Video: Chiêm ngưỡng ngôi chùa có Phật Ngọc lớn nhất Việt Nam

Chùa Quỳnh Lâm nằm giữa hai thôn Yên Sinh và Hà Lôi, phường Tràng An, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), cách trung tâm thị xã Đông Triều khoảng 4km về phía Đông Bắc. Chùa được xây dựng ở sườn Tây - Nam của một quả đồi thấp thuộc dãy núi Yên Tử mà xưa gọi là núi Tiên Du.

Chùa được xây dựng trên thế đất “đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “ Rồng chầu, hổ phục”.

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, chùa Quỳnh Lâm luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo lớn, là thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông.

Phía trước cửa chùa là hồ nước lớn, theo văn bia Cảnh Trị thứ 2 bên cạnh hồ còn ghi lại thì hồ được đào vào năm 1664, 3 phía còn lại là núi bao bọc, bốn góc chùa có 4 gò đất cao được gọi là 4 mắt Rồng tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.

Nơi đây còn truyền lưu câu ca dao: “Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông/ Ai qua đứng lại mà trông/ Tháp cao chín đợt màu mây ám/ Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng/ Trước điện thông reo cùng trúc hóa/ Trong am khánh đá với chuông đồng”.

Song có lẽ cũng chính về sự nức tiếng đó mà chùa Quỳnh Lâm phải chịu số phận khác biệt. Số phận thăng trầm của Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo nói riêng.

Năm 1997, Huyện ủy, UBND huyện Đông Triều huy động các nguồn lực, tổ chức trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, công trình đã hoàn thành được Cung Trúc Lâm, Gác Chuông, Nhà bia.

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ di tích chùa Quỳnh Lâm với các hạng mục: Kiến trúc Trung tâm (Tam tòa Thượng: Lưu Ly Phật Điện; Trung: Di Lặc Phật Điện; Hạ: Thích Ca Phật Điện, Hành Lang), Tam quan, nhà bia, nhà trưng bày, công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật… Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thiện, với sự đầu tư của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.

Ngày 9/4/2016, nhằm ngày 3 tháng 3 năm Bính Thân, đúng ngày kỵ của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, chính quyền, nhân dân và Phật tử thập phương khởi công tôn tạo lại Quỳnh Lâm theo cấu trúc kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã được khảo cổ học nghiên cứu và làm rõ. Các công trình xây dựng năm 1997 sẽ được hạ giải.

Ngày 14/11/2020 (29/9 âm lịch), HĐND, UBND, UBMTTQ thị xã Đông Triều phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức khánh thành Chùa Quỳnh Lâm với diện mạo mới, đồ sộ, xứng tầm lịch sử với 3 tòa thượng Lưu Ly Phật Điện, tòa trung Di Lặc Phật Điện, tòa hạ Thích Ca Phật Điện.

Tổng diện tích 14,79 ha (diện tích hiện trạng 4,4ha; diện tích mở rộng là 10,3ha). Hệ mái gồm 4 mái cốc lợp gói mũi hài, bờ nóc xây gạch đặc, hai đầu bờ nóc đắp kìm dạng thủy quái makara.

Cùng với đó, một pho tượng Phật Ngọc đặt tại tòa hậu đường (tòa thượng) có kích thước đế 2,13x1,56m; cao 2,2m; nặng 3,8 tấn do Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup cung tiến.

Sáng 28/11/2020, UBND thị xã Đông Triều phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ rước và an vị tượng Phật Ngọc tại Chùa Quỳnh Lâm, Đệ nhất danh lam cổ tích tại phường Tràng An, thị xã Đông Triều.

Trong 5 năm qua, Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup công đức cho dự án chùa Quỳnh Lâm với tổng giá trị gần 59 tỷ đồng.

Khu vực nội tự tiêu biểu với bức Thiều trâu Trạm khắc hình 9 con rồng với những nét hoa văn đặc sắc, tiêu biểu. Chính giữa khắc 4 chữ: Phạn Vũ Càn Khôn có ý nghĩa: Giáo lý Phật giáo là nguyên lý tối thượng, là nền tảng cơ bản trong trời đất.

Tổng mức đầu tư cho công trình chùa Quỳnh Lâm là gần 163 tỷ đồng. Tổng khối lượng gỗ cung cấp đến này là 1.576,8m3

Theo Ban quản lý di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều, trải qua bao thăng trầm lịch sử và biến cố thời gian, những gì tồn tại ở đây đều bị tàn phá.

Nhưng những cảm xúc riêng về vùng đất thấm đẫm chất huyền thoại từ ngàn năm trước, về hình ảnh cha ông có hoài bão xây dựng những công trình lớn thì như vẫn còn phảng phất trong tâm trí mỗi du khách khi có dịp về thăm nơi này.    

Đặc biệt, hệ thống cột gỗ ngọc am tại tòa Thích Ca Phật Điện có đường kính phi 79cm, cao 3,33m; hệ thống cột gỗ lim tại các tòa có phi 79cm, cao 3,5m

Diện mạo mới của chùa Quỳnh Lâm đang được bắt đầu và hẳn ứng với lời của tiền nhân “gian nan rồi lại hanh thông, cạn kiệt rồi lại khôi phục”. 

Chốn tổ Quỳnh Lâm tương lai sẽ xứng đáng với vị thế của một trung tâm Phật giáo, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần ở xứ Đông nói chung và Quỳnh Lâm trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Quỳnh Lâm sẽ lại là chốn tùng lâm vốn có của mình.

Minh Khang

Tin mới