Sáng 12/4, hàng dài người tập trung bên ngoài một cửa hàng thể thao ở trung tâm London chỉ vài giờ sau khi Anh nới lỏng lệnh phong tỏa.
Tại một cửa hàng cắt tóc ở Liverpool, khách hàng kéo đến lũ lượt khiến các thợ cắt tóc không lúc nào ngơi tay. Các quán bia, khu vui chơi giải trí, công viên, phòng tập gym đầy ắp tiếng người sau hơn 3 tháng chìm trong im lặng vì lệnh phong tỏa.
"Tôi có cảm giác giống như được ra tù", Kate Asani - một người dân ở London nói.
Trong khi Asani đang tán chuyện với bạn dưới ánh nắng chiều tại quán rượu Kilburn, Bộ Y tế Ấn Độ công bố nước này có thêm 168.912 ca bệnh mới.
12/4 cũng là ngày Ấn Độ "giành" lại vị trí vùng dịch thứ hai thế giới từ tay Brazil. Liên tiếp các ngày sau đó, số ca mắc mới của quốc gia Nam Á lần lượt xô đẩy kỷ lục của những ngày trước. Hiện tại, Ấn Độ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất thế giới chưa biết tới khi nào mới dừng lại.
Số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ vẫn đang gia tăng chóng mặt. (Ảnh: NYT)
Bức tranh tương phản
Độ tương phản giữa các nước giàu có với nguồn cung vaccine dư thừa và các nước nghèo, hụt hơi trong cuộc đua vaccine đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.
Những ngày đầu tháng 5, các sân bay Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa hè được hứa hẹn sẽ rất nhộn nhịp khi các du khách "năng" bay trở lại.
Sau một thời gian đóng cửa gần hết các cửa hàng vì COVID-19, sân bay quốc tế Philadelphia đang vạch kế hoạch về thời điểm mở cửa trở lại 185 cửa hàng đồ ăn, thức uống và bán lẻ. Jim Tyrell, Giám đốc chịu trách nhiệm doanh thu của sân bay Philadelphia, cho biết không chỉ các cửa hàng nối lại hoạt động, các khách hàng đang mua sắm tại sân bay nhiều hơn bao giờ hết.
Hiện tại, người dân Mỹ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bay đến nhiều nơi, trong đó có châu Âu. Những người tiêm chủng đủ hai liều có thể tới nơi công cộng mà không cần đeo khẩu trang.
Các thành phố lớn ở Mỹ gần đây cũng đánh tiếng về việc mở cửa trở lại. Giới chức New York hôm 3/5 thông báo kế hoạch “mở cửa hoàn toàn” thành phố từ ngày 1/7 tới sau hơn một năm đóng cửa vì dịch.
Tại châu Âu vào cuối tháng 4, một số nước bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Hôm 22/4, Văn phòng Thủ tướng Phần Lan công bố lộ trình mở cửa lại đất nước đến tháng 8. Theo đó, các hạn chế về hoạt động thể thao và giải trí của thanh niên sẽ dần được dỡ bỏ từ tháng 4. Thư viện và bảo tàng sẽ mở cửa trở lại trong tháng 5. Lệnh cấm tụ tập từ 10 người trở lên trong các sự kiện ngoài trời sẽ được dỡ bỏ trong tháng 7 và các sự kiện tổ chức trong nhà có thể bắt đầu từ tháng 8.
Đầu tháng 5, Pháp nới lỏng các hạn chế di chuyển trên cả nước trước khi cho phép các cơ sở kinh doanh, văn hóa và thể thao hoạt động trở lại theo từng giai đoạn từ giữa tháng này. Cùng thời điểm, Hy Lạp cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa.
Một phần nguyên nhân khiến Mỹ, Pháp hay Hà Lan tự tin vạch lộ trình mở cửa trở lại là nhờ kho vaccine dồi dào của họ.
Ở hầu hết các nước đang phát triển, các đơn đặt hàng vaccine vaccine tăng vọt lên hàng tỷ liều. Số ca mắc COVID-19 tại nước này cũng đang trên đà giảm, người dân sẵn sàng cho kỳ nghỉ hè sắp tới.
Người dân Anh nhảy múa ăn mừng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó ở nhiều quốc gia đang phát triển, virus vẫn hoành hành, đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Việc tiêm chủng chậm trễ do nguồn cung thiếu hụt khiến các nước này không thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
"Chúng tôi đang sống trong tình trạng không có khả năng tự vệ ở mọi cấp độ", Victor Guevara, 72 tuổi tới từ Honduras nói.
Guevara cho biết tại nhiều quốc gia, những người ở độ tuổi của ông đều được ưu tiên tiêm chủng. Người thân của Guevara tại Houston (Mỹ) cũng đã được chích ngừa. Nhưng ông và nhiều người Honduras vẫn chưa biết khi nào mình mới có tên trong danh sách tiêm chủng.
Honduras - quốc gia Trung Mỹ với khoảng 10 triệu dân hiện mới chỉ tiêm 59.000 liều.
Nepal - người láng giềng của Ấn Độ đang phải oằn mình ứng phó với làn sóng dịch mới. Hai bệnh viện nhà nước lớn tại thủ đô Kathmandu đang đối mặt với nguy cơ thiếu oxy nghiêm trọng. Bộ Y tế Nepal thừa nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến tại nước này vượt qua khả năng của hệ thống y tế.
"Các bệnh viện đã gần hết giường nên tình hình rất khó kiểm soát", Bộ Y tế Nepal cho biết.
Tương tự như Ấn Độ, nhiều thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ở Nepal phải hỏa thiêu ngoài trời do trung tâm hỏa táng và lò thiêu bị quá tải.
Tại Bangladesh - một quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ, chính phủ nước này buộc phải gia hạn các biện pháp phong tỏa khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Số người chết tại thủ đô Dhaka tăng mạnh những ngày qua khiến Rayerbazar - nghĩa địa chôn cất bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố này ngày một chật hẹp. Jasimuddin - người trông coi Rayerbazar cho biết mỗi ngày ông và những người khác phải chuẩn bị trước mộ cho 15 đến 20 thi thể.
Dù bắt đầu từ đầu tháng 2, chiến dịch tiêm chủng của Bangladesh vẫn đang hết sức chậm chạp. Những người may mắn được tiêm mũi đầu tiên không rõ khi nào họ mới được chích ngừa lần hai.
Tại các quốc gia châu Phi, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 đang tăng mạnh. Kenya ghi nhận mức tăng số người chết so với tháng 1 lên tới 674%. Tỷ lệ này ở Djibouti là 550%. Các chuyên gia ở châu Phi cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ sẽ sớm nhân rộng ra khắp lục địa đen.
“Chúng tôi không có đủ nhân viên y tế, chúng tôi không có đủ oxy", John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi cho biết.
Tuần trước, Brazil trở thành quốc gia thứ hai vượt qua mốc 400.000 ca tử vong vì COVID-19 sau Mỹ. Một thống kê gây sốc hồi giữa tháng 4 cho thấy cứ mỗi phút lại có ba người Brazil chết vì COVID-19.
Nam Mỹ - khu vực là nơi sinh sống của 5,5% dân số thế giới chiếm tới 32% tổng số ca thiệt mạng vì dịch.
"Những gì đang xảy ra là một thảm họa", Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cho biết.
Ở Ấn Độ, cơn bão COVID-19 vẫn đang hoành hành, số người mắc COVID-19 vẫn đang gia tăng chóng mặt. Do thiếu hụt giường bệnh, người dân nước này phải chết trên hành lang bệnh viện, trên đường, trong nhà của họ. Các bãi đậu xe biến thành nơi hỏa táng. Hình ảnh này quá mức tương phản với sự thảnh thơi, tự tại ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng vượt trội như Anh hay Mỹ.