Li Shuo - nhà vận động kỳ cựu của Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á bình luận về các vấn đề quanh Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26: “Động lực của các chương trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tình hình kinh tế trên toàn thế giới và động lực chính trị ở các quốc gia chủ chốt".
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 bắt đầu hôm 31/1. (Ảnh: Reuters)
Nhiều yếu tố làm phức tạp đàm phán
Thế giới đang ở ngã rẽ khi Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) diễn ra. Theo báo cáo của Liên hợp quốc được công bố vào đầu năm nay, có 50-50 khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 1,5 độ C trong hai thập kỷ tới.
Báo cáo cảnh báo rằng nếu không có những nỗ lực nhanh chóng và ngay lập tức để cắt giảm lượng khí thải, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ hoặc thậm chí 2 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này sẽ khó thực hiện được. Các quốc gia cũng cần phải có hành động tích cực hơn nữa để hạn chế carbon phát thải sau năm 2030.
Một báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào năm 2019 cho thấy một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ, ví dụ từ 10 đến 30% các rạn san hô sẽ tiếp tục tồn tại, trong khi hầu như tất cả sẽ mất nếu nóng lên toàn cầu tăng lên 2 độ.
Một báo cáo khác của IPCC vào tháng 8 cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu đã gây ra số lượng kỷ lục về hạn hán và lũ lụt trên khắp thế giới và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu không ai hành động gì.
Bất chấp mức độ khẩn cấp của những cảnh báo này, căng thẳng quốc tế và lo ngại chính trị trong nước vẫn là nhân tố làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về khí hậu, theo các chuyên gia.
Hôm 28/10, Trung Quốc đã đệ trình các cam kết giảm phát thải lên Liên hợp quốc, trong đó nước này nhắc lại cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị của Liên hợp quốc năm ngoái: đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và biến Trung Quốc trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060. Mục tiêu này khiến nhiều nhà quan sát thất vọng.
“Sáu năm sau Thỏa thuận Paris, sự lựa chọn của Trung Quốc là biểu hiện thiếu quyết tâm trong việc đẩy mạnh hành động vì khí hậu của một số nền kinh tế lớn", Li nói. Tuy nhiên, "nó cũng phản ánh sự nghi ngờ của Bắc Kinh về khả năng của Mỹ trong việc thực hiện các mục tiêu giảm carbon và mục tiêu tài chính cho chương trình khí hậu. Họ lo sợ rằng những lời nói của Washington sẽ chỉ là nói suông và làm căng thẳng thêm trật tự khí hậu toàn cầu vốn đã không công bằng".
Đối với Trung Quốc, những lo ngại trong nước cũng có thể là một yếu tố. Cuộc khủng hoảng điện gần đây ảnh hưởng đến hơn một nửa số tỉnh và làm nổi bật những khó khăn của nước này khi muốn từ bỏ các nhiên liệu như than đá.
Li cảnh báo rằng Mỹ chỉ có thể thể hiện “vai trò lãnh đạo bằng lời” nếu Tổng thống Joe Biden không thể đạt được hai cam kết chính - giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và tăng gấp đôi ngân sách các chương trình khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024 - thông qua Quốc hội.
(Ảnh minh họa)
Cạnh tranh Mỹ-Trung
Theo các nhà quan sát, sự cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể khiến cho các hoạt động chung về khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Li nói: “Trở lại năm 2015 khi Thỏa thuận Paris được thông qua, Mỹ và Trung Quốc đang trong thời kỳ tốt đẹp và hai nước sẵn sàng đồng thuận, tạo đột phá về các vấn đề khí hậu. Bây giờ những điều kiện chính trị này không còn nữa".
Câu hỏi cơ bản là làm thế nào để đạt được tiến bộ trong các chương trình nghị sự và hành động. Trung Quốc chưa đưa ra sự ủng hộ rõ ràng đối với mục tiêu 1,5 độ - mục tiêu có thể làm giảm mức độ phát triển kinh tế và công nghiệp của họ.
"Chúng tôi không tích cực thúc đẩy việc sửa đổi mục tiêu này, cũng không phản đối nó", Wang Mou, nhà nghiên cứu Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết. “Từ giai đoạn phát triển cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng chúng tôi không cần thiết phải tích cực thúc đẩy mục tiêu 1,5 độ”.
Zou Ji, chủ tịch Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cho biết cơ quan của ông đã kết luận rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2025.
Nghiên cứu do Viện tài nguyên thế giới (WRI) thực hiện năm ngoái đã đưa ra kết luận tương tự - rằng Trung Quốc có thể đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2026. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc có thể hưởng lợi kinh tế về lâu dài bằng cách tăng cường các chính sách khí hậu và năng lượng ngay từ bây giờ.
“Trung Quốc nói đúng về việc các quốc gia phải tập trung vào quá trình thực thi. Nhưng điều đó không làm thay đổi thực tế rằng họ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, cũng cần phải làm nhiều hơn", Alexandra Hackbarth, cố vấn chính sách cấp cao tại E3G, một tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu quốc tế, nhận định.
"Không phải để giải cứu phần còn lại của thế giới mà là để cứu chính mình", chuyên gia nói thêm.