Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COP26 đem lại gì cho thế giới?

(VTC News) -

Thế giới còn cách mục tiêu giữ cho trái đất chỉ nóng lên 1,5 độ C rất xa, Hội nghị Biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 nỗ lực để thu hẹp khoảng cách đó.

Không như các Hội nghị Biến đổi khí hậu trước đây, COP26 tổ chức ở Glasgow, Anh, năm 2021 sẽ không mang lại một hiệp ước mới hay "chiến thắng" lớn nào cho thế giới. Thay vào đó, hội nghị nỗ lực xây dựng vô số thành tựu nhỏ hơn nhờ các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc về Thỏa thuận Paris cùng những cam kết về khí hậu mới từ các quốc gia, công ty và nhà đầu tư tham gia sự kiện.

Thành công của COP26 năm nay sẽ được đánh giá dựa trên tiêu chí: Liệu tất cả các bên tham gia có thể cùng duy trì mục tiêu trái đất chỉ nóng lên 1,5 độ C hay không.

Hội nghị Biến đổi khí hậu năm nay hướng đến mục tiêu trái đất chỉ nóng lên 1,5 độ C. (Ảnh: Reuters)

Đây là một mục tiêu thách thức. Các nhà khoa học cho biết, để giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C, lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 cần giảm tới 45% so với năm 2010, phát thải ròng phải bằng 0 vào năm 2050.

Trong khi đó, cam kết về biến đổi khí hậu hiện có của các quốc gia vẫn khiến lượng khí thải tăng 16% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu, COP26 sẽ sử dụng ba đòn bẩy chính.

Tăng cường tham vọng

Trước tiên, hội nghị sẽ lập một bản kế hoạch nhằm thúc đẩy các quốc gia đẩy nhanh cam kết giảm phát thải trong những năm tới.

Với tình hình hiện nay, gần như chắc chắn rằng COP26 không thể đưa ra đủ cam kết để thế giới đạt mục tiêu 1,5 độ C. Tuy nhiên, một thỏa thuận đáng tin cậy sẽ giúp tăng cường tham vọng về khí hậu và ít nhất cũng giữ cho mục tiêu này tồn tại.

Bản kế hoạch này do Đan Mạch và Grenada phụ trách. Anh cũng đang xem xét đề xuất yêu cầu các nước đưa ra thêm nhiều cam kết mới và tham vọng hơn vào năm 2023. Đồng thời, quốc gia chủ trì hội nghị cũng chuẩn bị một loạt các thỏa thuận phụ về việc loại bỏ dần than, phổ biến phương tiện xanh và ngăn chặn nạn phá rừng. Trong trường hợp COP26 không đạt được cam kết mới từ các nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, những thỏa thuận phụ vẫn có thể hỗ trợ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Để giới hạn mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C, lượng phát thải ròng phải bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh: Reuters)

Cú thúc tài chính

Đòn bẩy thứ hai của Hội nghị Biến đổi khí hậu chính là tiền.

Tuần trước, các quốc gia giàu có xác nhận họ không thể đáp ứng cam kết năm 2009 rằng sẽ cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ tài chính khí hậu vào năm 2020 để giúp các quốc gia nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải và xây dựng các hệ thống chống bão, lũ lụt và các tác động khí hậu khác.

Sự thất hứa khiến các nước đang phát triển giận dữ và ngờ vực, đồng thời làm suy yếu lời kêu gọi của các quốc gia giàu có về việc tăng tốc độ cắt giảm lượng khí thải – việc đòi hỏi nhiều khoản đầu tư khổng lồ để khử carbon cho nhà máy điện, vận tải, nông nghiệp,...

Để đảm bảo các mục tiêu khí hậu, COP26 cần tìm cách đảm bảo cam kết 100 tỷ USD. Hội nghị sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về mục tiêu tài chính khí hậu mới cho năm 2025, đồng thời đưa ra các quy tắc nhằm đảm bảo các nước giàu phải đóng góp tài chính.

Anh cũng kêu gọi các tổ chức tư nhân đóng góp. Nước chủ nhà COP26 dự định dùng hàng tỷ USD từ các ngân hàng và nhà đầu tư để lấp đầy khoảng trống do các khoản đóng góp chậm trễ của các nước giàu có để lại.

Các nhà phân tích tại Bernstein ước tính, cần đầu tư 2-4 nghìn tỷ USD/năm vào phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp để thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một con số khổng lồ so với mức 79,6 tỷ USD mà các nước giàu cung cấp cho các nước nghèo về tài chính khí hậu vào năm 2019.

Các nhà kinh tế cũng thống nhất rằng chi phí của việc không hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu – và để các vấn đề môi trường diễn ra ngoài tầm kiểm soát - còn cao hơn nhiều.

Cần đầu tư 2-4 nghìn tỷ USD/năm vào phát triển cacbon thấp trong ngành công nghiệp để thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh: Reuters)

Thúc đẩy Thỏa thuận Paris

Ưu tiên thứ ba của COP26 là thúc đẩy các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris 2015 hoàn thiện các quy tắc để thực hiện hiệp định này. Để đạt được mục đích, hội nghị sẽ tổ chức hàng loạt cuộc thảo luận về thị trường carbon, cách các quốc gia đặt ra mục tiêu khí hậu trong tương lai cùng vấn về tài chính.

Jennifer Morgan, người đứng đầu tổ chức Hòa bình xanh, đã ví Thỏa thuận Paris như “lễ đính hôn”: “Giờ thì chúng tôi đang tổ chức lễ cưới và chờ xem liệu các quốc gia và tập đoàn chủ chốt có sẵn sàng nói ‘tôi đồng ý’ hay không”.

Trần Trang

Tin mới