Lan hồ điệp là một trong những loại hoa lan được ưa chuộng nhất bởi vẻ đẹp sang trọng, thanh thoát và sự đa dạng về màu sắc. Nếu muốn trồng và chăm sóc nó để chơi lâu dài, bạn cần biết cách tưới nước cho lan hồ điệp, yếu tố quan trọng để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa đẹp. Nếu tưới nước không đúng, lan hồ điệp có thể bị héo úa, thối rễ hoặc không ra hoa như bạn mong đợi.
Lan hồ điệp là loài cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Chúng cần lượng nước vừa đủ để rễ hấp thụ và lá giữ được độ căng mọng. Tuy nhiên, mỗi cây lan hồ điệp có nhu cầu nước khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, giá thể, thời tiết
Thời điểm hợp lý để tưới nước cho lan hồ điệp là khi bạn thấy giá thể hoặc rễ cây bị khô. Tần suất tưới tùy thuộc vào mùa và độ ẩm trong không khí. Mùa xuân, khi độ ẩm cao, bạn chỉ nên tưới từ 5 đến 7 ngày một lần. Trong mùa hè và mùa thu, tần suất tưới tăng lên 1 hoặc 2 ngày một lần.
Cách tưới nước cho lan hồ điệp đúng là tưới ở phần rễ, tránh tưới lên hoa và lá. Thời gian tưới tốt nhất là khoảng 9h hoặc 15h, đủ thời gian cho cây kịp khô ráo trước khi trời tối, giảm khả năng đọng nước ở nách lá, làm thối lá.
Để cây lan hồ điệp phát triển tốt và cho hoa đẹp, tưới nước đúng cách là yếu tố quan trọng hàng đầu. (Ảnh: Druiventros)
Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về cách tưới nước cho lan hồ điệp:
Dùng vòi phun nước nhẹ nhàng tưới đều lên toàn bộ cây, tập trung vào giá thể. Đảm bảo nước thấm đều xuống rễ nhưng không đọng lại trên lá và ngọn cây.
Sau khi tưới nước, nên để cây ở cửa sổ hoặc nơi thoáng gió để nước bay hơi nhanh, tránh tình trạng thối ngọn.
Chuẩn bị một chậu nước sạch, nhúng cả chậu lan vào ngâm trong khoảng 5–10 phút. Sau đó, bạn nhấc chậu lên và để nước thoát hoàn toàn trước khi đặt cây lại vị trí cũ.
Cần phải đảm bảo chậu lan hồ điệp được thoát nước tốt, tạo độ thông thoáng cho rễ cây.
Nếu bạn sống ở khu vực có khí hậu khô hanh, nên phun sương nhẹ lên lá và giá thể vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng độ ẩm. Tránh phun vào buổi tối vì nước đọng lâu có thể gây nấm bệnh.
- Dùng nước sạch: Sử dụng nước máy đã để qua đêm hoặc nước mưa để giảm lượng clo. Tránh dùng nước nhiễm phèn, mặn hoặc nước giếng chưa qua xử lý.
- Không tưới quá nhiều: Việc tưới nước quá thường xuyên sẽ làm rễ cây bị ngạt, dẫn đến thối rễ và chết cây. Hãy để giá thể khô ráo trước khi tưới lần tiếp theo.
-Tránh nước đọng: Sau khi tưới, nếu thấy nước đọng lại trên ngọn hoặc trong nách lá, hãy dùng khăn giấy thấm khô để tránh thối ngọn.
- Không tưới nước vào buổi tối: Điều này khiến nước đọng lâu hơn, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển.
Cần chú ý đến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. (Ảnh: Plant Index)
Không chỉ cần biết cách tưới nước cho lan hồ điệp, bạn còn phải lưu ý những khía cạnh khác trong việc chăm sóc loài hoa có tiếng là "chảnh" này, đặc biệt là 3 vấn đề chính sau:
Nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm
Đối với lan hồ điệp, nhiệt độ 18 - 29 độ C là tốt nhất để cây phát triển. Nếu nhiệt độ quá thấp, cây sẽ không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết, dễ chết.
Loài lan hồ điệp rất kén chọn về ánh sáng. Bạn không nên đặt cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, chỉ nên để trong nhà. Độ ẩm cần được duy trì trong khoảng từ 50% đến dưới 80%.
Phân bón
Cách sử dụng phân bón và tưới nước đối với lan hồ điệp cần thay đổi theo mùa và điều kiện thời tiết. Trong mùa hè, bạn nên sử dụng phân bón NPK. Vào mùa đông, bạn không cần bón phân mà chỉ cần duy trì độ ẩm cho cây.
Vị trí đặt cây
Những nơi có không khí thoáng, khô ráo sẽ là lựa chọn tốt để lan hồ điệp phát triển và trao đổi chất, giảm nguy cơ bị sâu bệnh và nấm mốc tấn công. Tuy nhiên, cần tránh đặt lan hồ điệp ở nơi có gió mạnh vì sẽ khiến cây bị khô và hoa nhanh tàn.