Hoa giấy là loài hoa đẹp và dễ trồng, có thể sinh trưởng tốt trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Tuy nhiên, vào mùa đông, khi thời tiết trở nên lạnh hơn, hoa sẽ kém rực rỡ, việc chăm sóc đòi hỏi sự chú ý đặc biệt.
Dù cần ít nước, bạn vẫn cần tưới nước cho hoa giấy vào mùa đông, nhưng cách tưới phải có sự điều chỉnh linh hoạt so với mùa hè. Lúc này, nhu cầu nước của cây khá thấp, việc tưới không đúng cách có thể khiến cây bị chết hoặc phát triển kém do thối rễ. Bạn cần theo dõi tình trạng đất, điều chỉnh lượng nước và thời điểm tưới sao cho phù hợp để đảm bảo cây hoa giấy của mình phát triển khỏe mạnh trong mùa đông.
Cách tưới nước cho hoa giấy vào mùa đông cần được điều chỉnh linh hoạt. (Ảnh: Unsplash)
Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi chăm sóc hoa giấy vào mùa đông là thời điểm tưới nước. Vào mùa đông, khí hậu lạnh làm cho đất khô chậm hơn so với mùa hè, vì vậy cần kiểm tra độ ẩm của đất trước khi tưới và chỉ nên tưới tối đa 1 lần mỗi ngày. Việc tưới quá nhiều nước trong mùa đông sẽ làm cho đất bị úng, gây ra hiện tượng thối rễ, khiến cây chết.
Cách thử độ ẩm của đất: Bạn nhấn ngón tay vào đất khoảng 2-3cm, nếu lớp đất trên cùng đã khô, bên dưới chỉ hơi ẩm thì đó là lúc nên tưới. Nếu đất vẫn còn ẩm, bạn không cần tưới nước ngay. Tưới vào buổi sáng sớm là tốt nhất, giúp cây hấp thụ nước kịp thời trước khi nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm.
Hoa giấy không ưa bị ngập úng, vì vậy khi tưới nước cho hoa giấy vào mùa đông, bạn cần chú ý đến lượng nước cung cấp cho cây, tránh tưới quá nhiều.
Nên tưới đều vào vùng đất xung quanh gốc cây, tránh để nước bắn lên lá hoặc thân cây. Điều này giúp nước thấm sâu vào đất mà không làm cây bị nhiễm nấm mốc. Ngoài ra, cần đảm bảo chậu cây có lỗ thoát nước để tránh tình trạng nước đọng lại dưới đáy chậu, gây thối rễ.
Một cách tưới nước cho hoa giấy vào mùa đông là dùng nước ấm để tăng khả năng hấp thụ, đồng thời giảm thiểu sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và đất, giúp cây không bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để không pha nước quá nóng vì sẽ gây tổn thương cho rễ cây.
Nước có nhiệt độ khoảng 20-25 độ C là lý tưởng cho việc tưới hoa giấy vào mùa đông. Tránh tưới nước lạnh vì có thể làm cây gặp các vấn đề về rễ, trở nên suy yếu, đặc biệt là khi nhiệt độ ngoài trời xuống quá thấp.
Để hoa giấy phát triển mạnh mẽ, ra hoa đều đặn và có màu sắc tươi tắn, bạn cần cắt tỉa cảnh, tưới nước và chăm bón đúng cách. Việc dùng giấm tưới cho hoa giấy là một mẹo hiệu quả giúp cây nở hoa rực rỡ quanh năm.
Ngoài acid acetic (hàm lượng thường từ 4-8%), giấm tự nhiên còn có một số vitamin và khoáng chất như vitamin C, kali, canxi, và magiê. Giấm có tính acid nhẹ, giúp cải thiện môi trường đất và cung cấp dưỡng chất cho cây trồng.
Trong khi đó, hoa giấy là loài cây ưa nắng, phát triển tốt khi được trồng trên đất có tính kiềm nhẹ hoặc trung tính. Tuy nhiên, đất trồng qua thời gian thường trở nên bạc màu, thiếu dinh dưỡng và làm cây yếu đi, khó ra hoa, độ kiềm của đất tăng cao. Vì vậy, giấm được xem là một giải pháp tự nhiên giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hoa giấy. Việc dùng giấm tưới cho hoa giấy có một số tác dụng cụ thể sau:
- Cải thiện độ pH của đất trồng nhờ tính acid nhẹ có khả năng làm giảm độ kiềm của đất, tạo ra môi trường cân bằng hơn cho cây. Hoa giấy phát triển tốt nhất ở đất có độ pH từ 5.5 đến 6.0. Để duy trì độ pH trong đất, bạn hãy pha loãng 150ml giấm với 4 lít nước sạch rồi tưới.
- Kích thích cây ra hoa: Việc dùng giấm tưới cho hoa giấy đều đặn với liều lượng hợp lý giúp cây ra hoa đều và có màu sắc tươi tắn, rực rỡ hơn. Acid acetic kích thích sự phát triển của hoa, đồng thời giúp các mầm hoa phát triển nhanh chóng.
- Tăng cường sức đề kháng cho cây: Giấm có khả năng tiêu diệt một số loại vi khuẩn và nấm gây hại trong đất, do đó việc dùng giấm tưới cho hoa giấy giúp cây tránh được những bệnh do vi khuẩn, nấm mốc gây ra, từ đó giúp cây phát triển khoẻ mạnh hơn.
- Cung cấp dinh dưỡng: Ngoài acid acetic, giấm còn chứa một số khoáng chất như kali, canxi, magie... giúp cải thiện cấu trúc đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây hoa giấy.