Lá thư được viết bằng giọng sắc sảo, là lời một nàng dâu ấm ức với cách quản lý của mẹ chồng, muốn lý sự với bà để được sống theo cách mình nghĩ là hợp tình hợp lý, công bằng. Lời lẽ đanh thép, lập luận chặt chẽ "không cãi vào đâu được" trong bài khiến phấn lớn phụ nữ đang làm dâu cảm thấy "sướng vì gãi đúng chỗ ngứa", như nhiều chị bình luận. Qua những câu chữ "hùng hổ", nàng dâu thể hiện mong muốn mẹ chồng tôn trọng quyền quyết định của cô trong việc tổ chức cuộc sống riêng.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều người cho rằng nói với mẹ chồng theo cách của tác giả là hỗn, là quá "chặt chém", không phù hợp với cách cư xử của con cháu với bậc trưởng thượng. Việc ráo hoảnh lặp đi lặp lại quan điểm con dâu không nợ nần gì mẹ chồng và người có nghĩa vụ báo hiếu là con trai bà... cũng bị cho là quá lạnh lùng và không phù hợp với đạo lý truyền thống.
Trước những tranh cãi, nhiều người cho rằng không nên quá căng thẳng khi nhìn nhận bức thư này, vì đây có lẽ chỉ là một bài viết mang tiếng "tự sướng" nhằm giải tỏa nỗi lòng, dành để chia sẻ với những phụ nữ khác cũng đang có những ấm ức khi làm dâu, chứ không phải thư gửi mẹ chồng thực sự. "Giọng văn của bài cho thấy tác giả là người thông minh hiểu biết, chắc chắn sẽ không thể gửi bài này như một bức thư cho mẹ chồng. Cô ấy viết bài này chắc chỉ để chị em 'phê pha' với nhau một chút, rồi về nhà lại làm con ngoan, tìm những cách khéo léo để xử lý mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thôi" - một cư dân mạng bình luận.
Dưới đây là bài viết được cho là thư con dâu gửi mẹ chồng đang được nhiều cư dân mạng quan tâm:
"Con cứ nghĩ mãi, rốt cuộc mẹ có ý nghĩa gì với con? Mẹ chẳng qua là mẹ của chồng con. Trước khi lấy anh ấy, mẹ chẳng có chút ý nghĩa nào đối với cuộc sống của con. Cuộc sống của con là do bố mẹ đẻ của con cho con. Kiến thức, năng lực, sự giáo dục, cách đối nhân xử thế... của con ngày hôm nay đều là do con thừa hưởng từ bố mẹ con, chẳng có tí tẹo tèo teo nào cống hiến của mẹ.
Thế nên con mới không tài nào hiểu nổi, rằng vì sao ngay sau khi kết hôn, bao nhiêu ngày tháng của suốt 20 năm con sống trong cuộc đời này tất tần tật lại phải trở về số không, rồi phải trở thành người của nhà mẹ, mà đúng hơn là người nhỏ nhất trong nhà mẹ. Nói nhỏ nhất là vì địa vị của con trong nhà còn bé nhỏ hơn cả đứa con trai 2 tuổi của con.
Nói thật là con cảm thấy rất bất công. Bố mẹ con nuôi dạy con hơn 20 năm ròng rã, còn mẹ thì nhặt nhạnh lấy thành quả kết tinh của 20 năm ấy, nói trắng ra là mẹ không làm mà hưởng, ngồi mát ăn bát vàng. Thế nên những việc con làm cho mẹ, mẹ nên cảm ơn bố mẹ con và công sức con bỏ ra. Nếu mẹ không thấy cảm kích thì cũng đành vậy nhưng mẹ cũng đừng nên cố ý tạo ra ý nghĩa này nọ đối với con, đừng nên lấy kính hiển vi ra mà săm soi những việc con làm, khác nào bới lông tìm vết, nhặt xương trong trứng gà, rõ ràng là vừa được ăn vừa được nói.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu dường như là vấn đề muôn thuở trong các gia đình có 3 thế hệ sống chung.
Ban ngày con có công việc của riêng con, kinh tế trước nay vẫn độc lập, nên con chẳng hề phải dựa dẫm vào con trai mẹ, và cũng chưa một ngày nào phải sống nhờ vào đồng lương của con trai mẹ. Khả năng kiếm tiền của con ngày hôm nay là nhờ công giáo dục của bố mẹ con và công sức con không ngày nào ngừng nỗ lực học tập mà thành. Cho nên con không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ là đồng tiền con kiếm ra nghiễm nhiên phải cống hiến cho nhà mẹ và sau đó tiêu đồng tiền của chính mình lại cứ phải nhìn xem sắc mặt của mẹ thế nào. Làm gì có chuyện đấy!
Con không hề nợ nần gì mẹ, cũng chẳng cần mẹ phải nuôi, càng chưa xin mẹ một xu một chinh nào. Con có thể tôn trọng ý kiến của mẹ nhưng không thể để mẹ quyết định được. Cho nên bây giờ con phải chính thức nói trắng ra để mẹ hay: Tiền điện là con trả, nên trong những ngày hè nóng bức ngột ngạt con bật điều hoà đi ngủ, mẹ không được có ý kiến. Hôm sau con còn phải đi làm nữa mẹ ạ, chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với con.
Còn nữa, "Phật có thếp vàng, người có quần áo", con cần mua mấy bộ quần áo hay mấy đôi giày thì đấy là việc của con. Xin mẹ nhớ cho, tiền đó là do con kiếm được, con tiêu thế nào thì con cũng tự có chuẩn mực của con. Nếu mẹ muốn quản lý thì xin đi mà quản lý tiền nong của con trai mẹ. Con kiếm tiền bằng công sức và khả năng của mình, nên quả thực không hề muốn phải đi thăm dò sắc mặt của mẹ thế nào.
Lại nữa, mẹ đừng nên một mực cho rằng con trai mẹ giỏi giang ghê gớm lắm. Nếu mà con không đi làm thì thử hỏi chuyến đi Trung Quốc du lịch hai tuần năm ngoái của mẹ là tiền ở đâu ra?
Con càng nghĩ càng thấy thực ra mẹ chả có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con cả. Nếu mà có một ý nghĩa nào đó về hình thức thì mẹ chẳng qua chỉ là mẹ của chồng con thôi. Tất cả công sức, tình cảm của mẹ đều dồn cho anh ấy, người báo đáp công lao mẹ là anh ấy. Tương tự như vậy, người mà con cần báo đáp cũng chỉ có bố mẹ con thôi. Nếu hôm nay bố mẹ con cũng soi mói con trai mẹ như vậy thì mẹ có cảm thấy dễ chịu không? Và con trai mẹ sẽ đáp ứng được mấy phần yêu cầu của bố mẹ con đây?
Cho nên về sau này, nếu mẹ muốn ăn hoa quả thì sai con trai mẹ đi gọt cho mẹ ăn, vì đây là việc anh ấy đáng phải làm. Quần áo mẹ cũng hãy sai anh ấy giặt, đằng nào thì mẹ cũng đã giặt quần áo cho anh ấy hơn 20 năm kia mà (còn con thì đến một đôi tất cũng chưa bao giờ phải phiền mẹ cả). Nếu mẹ muốn đi khám bệnh thì bảo con trai mẹ xin nghỉ mà đưa đi, con không muốn năm nào cũng bị cơ quan cắt tiền thưởng không nghỉ phép năm. Trong khi hễ con bị cảm cúm thì mẹ bóng gió mát mẻ rằng con sức khoẻ kém. Bởi vậy, khi mẹ bị ốm, con chẳng có cách nào để động lòng trắc ẩn.
Nói tóm lại, anh ấy hiếu thảo với mẹ là đúng, còn con, con phải đem cái hiếu thảo của con báo đáp cho người đã sinh thành ra con. Nếu mẹ muốn con làm việc gì thì mẹ làm ơn bớt bới móc đi một tí và thầm cảm ơn con, vì rằng con đâu có thiếu nợ mẹ, làm giúp mẹ là làm giúp một người trên danh nghĩa là mẹ đẻ của chồng con, tất cả chỉ có vậy thôi. Nếu anh ấy không phải là chồng con, mẹ tưởng mẹ sẽ có vinh hạnh ấy sao?
Hơn nữa mẹ cũng nên chịu khó xem thời sự vào, bây giờ là thời đại trả tiền thuê người làm việc nhà rồi. Mẹ đã không trả lương cho con thì mỗi lúc con làm giúp mẹ, mẹ nên mỉm cười mới đúng chứ!
Cuối cùng, con viết thư này chắc chắn mẹ sẽ cho con là phường nghịch tử vô luân, nhưng giữa người với người là phải tôn trọng nhau, và con đối xử với mẹ cũng trên nguyên tắc cơ bản như vậy. Nếu mẹ không thể tôn trọng những cảm nhận của con thì coi như con cũng xin nhường mẹ một chút vì mẹ dù sao cũng là người đi trước, nhưng con vẫn cứ phải nói cho hết nhẽ.
Chắc mẹ sẽ bảo "Làm dâu nhà người phải hiểu đạo lý", nhưng về phía con cũng vẫn phản đối. Con không phải do mẹ nuôi dạy, càng không nợ nần gì mẹ, và con cũng đã phát huy tối đa khả năng nhẫn nhục và tôn trọng của mình. Còn những điều cần học hỏi thêm là ở phía mẹ. Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình, mẹ ạ!".