Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đáp trả gói trừng phạt thứ 11 của EU

Ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố mở rộng danh sách các đại diện và cấu trúc của thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào Nga để đáp trả gói trừng phạt thứ 11 của EU.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Brussels tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Moskva thông qua các biện pháp trừng phạt đơn phương. Nga coi những hành động như vậy của EU là bất hợp pháp, làm suy yếu các đặc quyền pháp lý quốc tế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga không nêu các cá nhân cụ thể rơi vào các biện pháp hạn chế của Moskva. Nhưng theo thông báo, đó là đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức nhà nước và thương mại của các nước EU có liên quan trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như các quan chức châu Âu, "chịu trách nhiệm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và cố gắng phá vỡ mối quan hệ của Nga với các quốc gia khác".

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga. (Ảnh: rianovosti)

Cũng theo bộ này, “các hạn chế cũng được mở rộng đối với các nghị sĩ của các nước EU đang thúc đẩy chương trình nghị sự đối đầu với Nga”.

Ngày 23/6, Liên minh châu Âu đã công bố gói trừng phạt thứ 11 chống Nga trên tạp chí của EU. Kể từ ngày này, gói trừng phạt chính thức có hiệu lực. Mục tiêu chính của họ là ngăn Nga lách các hạn chế đã được áp đặt. Việc giao hàng cho các nước thứ ba có thể bị cấm và các tàu chở dầu vi phạm giá trần sẽ không được phép vào các cảng châu Âu.

Gói trừng phạt mới cũng chính thức cấm hoạt động bơm dầu của Nga qua nhánh phía bắc của đường ống Druzhba tới Đức và Ba Lan. Tuy nhiên, Moskva đã ngừng vận chuyển nguyên liệu thô của mình tới Berlin và Warsaw thông qua đường ống này, hiện chỉ có dầu của Kazakhstan đi qua đường ống này.

Brussels cũng gia hạn lệnh cấm xuất khẩu ô tô hạng sang và đình chỉ giấy phép phát sóng đối với các kênh truyền hình Nga. Gói mới quy định các hạn chế đối với 87 công ty mà theo dữ liệu của EU, hỗ trợ Tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga, 100 cá nhân và một số công ty từ các nước thứ ba.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu - Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Olenchenko, mục tiêu chính của gói trừng phạt mới của EU là gây áp lực buộc các nước khác ngừng hợp tác với Nga. Tuy nhiên, ở đây, EU xung đột với lợi ích kinh tế của các quốc gia đang tham gia vào hoạt động tái xuất hàng hóa sang Liên bang Nga, bởi vì họ có thể kiếm được nhiều tiền từ việc này.

Trên thực tế, EU đề nghị họ tự nguyện từ bỏ lợi ích này. Hơn nữa, thắt chặt kiểm soát tuân thủ các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga là một nhiệm vụ khó khăn đối với EU. Đối với dầu mỏ, người châu Âu sẽ mua nó với giá cao hơn, nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào Nga.

Anh Tú

Tin mới