Hôm 8/6, Politico dẫn nguồn cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày phiên bản mới về các đề xuất trừng phạt trước cuộc họp hôm 7/6, song các nước EU không nhất trí được gói trừng phạt mới áp đặt lên Nga.
Theo Politico, một số quốc gia EU, bao gồm cả Đức và Pháp lo ngại về một số biện pháp trừng phạt.
EU liên tiếp tung đòn trừng phạt đối với Nga. (Ảnh: Qirim)
Gói trừng phạt thứ 11 tập trung vào việc ngăn chặn việc lách các biện pháp trừng phạt hiện có, đồng thời thiết lập cơ chế mới trừng phạt các quốc gia bên ngoài EU cho phép né lệnh trừng phạt.
Politico cho hay, nội dung đề xuất trong lệnh trừng phạt mới được cho là “nhạy cảm” đối với một số thành viên của khối, đặc biệt là Đức. Đức lo ngại những nội dung này có thể ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
“EC đã cắt giảm các đề xuất so với ban đầu để giải quyết những lo ngại này", nguồn tin Politico cho hay.
Trong khi đó, Hungary và Hy Lạp đã từ chối phê duyệt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Nga trừ khi Ukraine loại bỏ các công ty của 2 nước này ra khỏi danh sách “các nhà tài trợ chiến tranh”.
Theo Hy Lạp, nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, thì điều này cần được các quốc gia liên quan điều tra và đánh giá trước khi cân nhắc hành động phù hợp.
Lập trường của Hungary thậm chí còn cứng rắn hơn khi Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố, Brussels lẽ ra phải học được một bài học từ hậu quả của các lệnh trừng phạt trước đó.
Các đại sứ EU sẽ thảo luận lại về đề xuất này tại cuộc họp vào ngày 14/6.
EU đã tung ra 10 gói trừng phạt đối với Nga. Trong gói trừng phạt mới nhất hôm 24/2, EU hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa sử dụng lưỡng dụng (quân sự và dân sự), cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ xung đột, tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng...
Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của EU và bác tác động của các lệnh này lên Moskva.