Theo Bộ Giao thông Vận tải, lễ khởi công sẽ được triển khai đồng loạt với 12 điểm cầu, trong đó, điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi. Hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết cách thức tổ chức này cũng là chủ trương mới thực hiện đúng phương châm đổi tư duy, cách làm nhằm cụ thể hóa mục tiêu đột phá kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian sớm nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được khởi công ngày 1/1. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, trước đây các dự án quan trọng quốc gia (dự án nhóm A) thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thông thường, thời gian từ khi phê duyệt đến thời điểm khởi công thường mất tối thiểu là 2 năm. Tuy nhiên, Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã rút ngắn 1/2 thời gian thực hiện thủ tục đầu tư so với dự án thông thường.
Điều này có được là nhờ hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép áp dụng, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương có dự án đi qua cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua, một khối lượng công việc khổng lồ đã được giải quyết trong thời gian ngắn.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương từ ngày 15/3/2022. Đến ngày 30/04/2022 đã bàn giao 60% và đến ngày 30/6/2022 bàn giao 100% cọc.
Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần trước ngày 17/6/2022.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào ngày 25/5/2022. Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022.
Đối với 12 gói thầu khởi công trong năm 2022, chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán từ tháng 11/2022. Đến nay đã lựa chọn nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12/2022.
13 gói thầu còn lại cũng đang được Bộ chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước tết Quý Mão.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất với tổng chiều 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Huy cho biết, trước khi khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, vào ngày 31/12 tới đây, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng sẽ được thông xe, đưa vào khai thác.
12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công, gồm: gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2 km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29 km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km).
Gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km); Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km).