Nội dung trên được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh trong văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo một số nội dung cho năm học 2024 - 2025.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo rà soát, kiểm tra bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới. Các địa phương cần có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đồng thời thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
"Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp tuyển giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111 của Chính phủ để thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương", Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới. (Ảnh minh hoạ)
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi, công khai các khoản thu ngay từ đầu năm học.
Các địa phương tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện phương án hỗ trợ học sinh hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số, có đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các điều kiện thiết yếu khác. Không để có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, số lượng học sinh cả nước tiếp tục tăng, trong đó mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, bậc phổ thông tăng 7.150 lớp. Điều này khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra.
Năm học 2023 - 2024, cả nước tuyển dụng hơn 19.000 thầy cô, nâng tổng số giáo viên cả nước lên 1,25 triệu, trong đó có gần 49.000 giáo viên hợp đồng.
So với năm học 2022 - 2023, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng thêm 17.253 giáo viên. Tuy nhiên, số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng, dẫn đến số giáo viên còn thiếu nhiều và ở hầu hết các địa phương.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, tôn vinh nhà giáo. Đồng thời tăng cường tuyển dụng số lượng biên chế giáo viên đã được cấp; thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng.