Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ đội Cụ Hồ, trận đánh quyết định và mệnh lệnh 'phải thắng'

(VTC News) -

Hình ảnh bộ đội oai nghiêm ở chốt kiểm dịch, ân cần khi đi chợ giúp dân vừa cho thấy quyết tâm thắng dịch cao độ của Đảng, Nhà nước, vừa khơi dậy ý thức mỗi người.

TP.HCM siết chặt giãn cách chống dịch COVID-19, sự hiện diện của màu xanh quân phục khiến đường phố lập tức thay đổi. Người dân tuân thủ nghiêm túc hơn các quy định phòng chống dịch, không còn cảnh nườm nượp người xe ở nơi công cộng.

Số phương tiện ra đường trong ngày 23/8 giảm đến 85% so với hôm trước, theo thống kê của Công an TP.HCM. Đa phần người đi đường có giấy tờ hợp lệ, những người bị buộc phải quay lại đều nghiêm chỉnh chấp hành, không còn trường hợp chống đối.

Trên khắp TP.HCM, từ những đường phố, đại lộ lớn nhất đến khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ bộ đội trong màu xanh áo lính cùng các chiến sỹ công an canh gác, kiểm soát người và phương tiện ra vào.

Hình ảnh những người lính bồng súng đứng gác, oai nghiêm trong từng động tác chào, kiểm tra giấy tờ của người đi đường khiến tất thảy đều thấy vững tin hơn gấp nhiều lần. Bầu không khí mà ở đó những tin tức về dịch bệnh, về số ca nhiễm, số ca tử vong đến dồn dập hàng ngày cũng bớt đi phần u ám.

 Bộ đội kiểm soát người đi đường tại TP.HCM. Ảnh: PLO

Và bên cạnh hình ảnh của sức mạnh, sự uy nghiêm, các anh bộ đội cũng hiện diện ở TP.HCM đầy thân thương, gần gũi khi họ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà ở cả những hẻm sâu nhất, đem thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho người dân.

Thêm một lần nữa trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh bộ đội Cụ Hồ lại có mặt lúc dân cần nhất, khi nước sôi lửa bỏng cam go nhất. Có người cho biết, họ xúc động nghĩ đến quá khứ mấy chục năm trước, dân nuôi bộ đội để chiến đấu chống giặc ngoại xâm, còn nay trong cuộc chiến chống  COVID-19, bộ đội vừa ở tuyến đầu, vừa lo cả chuyện đói no cho dân.

Với sự tận tụy ân cần đó và cả sự nghiêm khắc trong giám sát giãn cách, sự hiện diện của các anh bộ đội đang làm khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong đại dịch.

Những người trước đây còn chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của kỷ luật khi đối phó với dịch bệnh chắc hẳn giờ đây cũng đã nhận ra tính cấp bách của tình thế, hiểu rằng tuân thủ triệt để các quy định về giãn cách là con đường duy nhất để nhanh chóng trở lại cuộc sống tự do thoải mái ngày trước.

Hình ảnh oai nghiêm của các chiến sĩ trong vùng dịch cho thấy quyết tâm cao độ nhất của Đảng và Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ sự an toàn cho người dân, phục hồi và phát triển kinh tế.

Cả hai yêu cầu này đều đang cực kỳ khẩn thiết, cấp bách, không thể chờ đợi thêm nữa. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 8.666 người; ngay trong lúc này có tới hơn 195.000 người mắc COVID-19 đang phải điều trị, và cuộc sống của hàng chục triệu người khác đang bị ảnh hưởng - mất hoặc giảm thu nhập, việc học hành, thi cử của trẻ em bị đình trệ, xáo trộn. Bao nhiêu doanh nghiệp, hộ kinh doanh khốn đốn.

Phải kiểm soát dịch bệnh sớm chừng nào tốt chừng đó! Việc triển khai lực lượng lớn quân đội tại vùng dịch chính là tuân theo mệnh lệnh cuộc sống đang từng giờ từng phút thúc ép, là điều cần thiết và bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại. Họ xuất quân để tham gia trận đánh cuối cùng mang tính quyết định vào thành trì của đại dịch, và phải thắng. Kỷ luật mà bộ đội lập lại trên đường phố Sài Gòn bây giờ chính là sự bắt đầu của cuộc “tổng tấn công” vào đại dịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khi thăm bệnh viện dã chiến số 5D do quân đội thiết lập tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM hôm qua đã có mệnh lệnh “Phải thắng, không thắng không về” trong trận chiến đầy cam go này. Tôi cũng nhớ câu nói đầy quả quyết của một học viên Học viện Quân y khi trả lời phỏng vấn truyền hình: “Chúng tôi là bộ đội Cụ Hồ. Mong bà con yên tâm”.

Tôi chợt nhớ đến bài hát “Trận đánh cuối cùng” nhạc sỹ Mikhail Nozhkin viết trong những ngày Hồng quân Liên Xô chuẩn bị tiến vào giải phóng Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức đầu tháng 5/1945.

"...Chỉ còn trận cuối cùng, trận cuối nữa thôi

Hãy tiến lên đi, dù khó nhất trong đời.

Tôi bỗng mong ước sao, về với quê nhà.

Từ đã rất lâu, chẳng gặp mẹ kính yêu".

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Trần Hồng

Tin mới