Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, thế nhưng các bến xe ở Hà Nội như bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm, bến xe Mỹ Đình... vẫn đìu hiu, thưa thớt khách. Trưa 27/1, tại khu vực quầy vé của bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lác đác 2-3 người đến mua vé.
Hàng chục quầy mở cửa nhưng chỉ có một vài khách vào mua vé. Khu sảnh chờ, phòng chờ cũng vắng lặng, đìu hiu.
Hành khách đi xe tại bến đều phải khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.
Anh Tân Thế Hồng (35 tuổi) chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, anh đã làm tài xế hơn 10 năm nhưng chưa năm nào chứng kiến cảnh vắng khách như năm nay. “Từ hôm 20 Tết đến nay, chuyến nào khách về đông nhất chỉ có 10 khách, còn đâu chỉ được 2-3 khách, lắm chuyến trên xe chỉ có mình tài xế" , anh Hồng nói.
Anh Trần Văn Tiến (nhân viên nhà xe tuyến Hà Nội - Thanh Hoá) chia sẻ: "Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân ít nhu cầu đi lại, học sinh, sinh viên học online tại nhà nên không có khách. Chi phí 1 chuyến cả đi và về khoảng 6 triệu đồng nhưng chỉ thu lại được tầm 2 triệu đồng, số tiền còn lại là phải bù vào. Mặc dù lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải chạy để giữ khách”, anh Tiến cho hay.
Còn 10 phút nữa là đến giờ xuất bến nhưng xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng vẫn không có một bóng người.
Một số tài xế cho biết, năm nay vắng khách hơn rất nhiều so với mọi năm. Nhiều người ngại dịch bệnh nên cũng lựa chọn phương tiện cá nhân, xe dịch vụ bên ngoài để về quê.
Tương tự, tại bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), từ khu vực cổng đến các sảnh chờ khách đều trống vắng. Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng vắng vẻ, lượt người vào bến xe thưa thớt.
Đại diện bến xe Giáp Bát cho biết, trước đây mỗi ngày bến có trên 850 lượt xe xuất bến với trên 1 vạn khách nhưng nay chỉ có khoảng 200 lượt xe với trên 1.000 lượt khách.
Một hành khách bình tĩnh nghỉ ngơi trước khi lên xe. "Tầm giờ này mọi năm không ra xe nhanh là không còn chỗ ngồi, nhưng năm nay thì quá thoải mái, tôi tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa xong lên xe vẫn kịp", ông Tuấn nói.
Chốc nhát ông Xông Văn Vui (46 tuổi) chạy xe Đức Mười (Hà Nội - Nam Định) lại nhìn ra cổng xem có thêm khách nào để kịp mời khách. "Số lượng khách năm nay giảm khoảng 80% so với mọi năm. Mặc dù khách giảm mạnh, nhưng nhà xe vẫn không cắt giảm chuyến, chấp nhận bù lỗ để giữ khách", ông Vui nói.
Xe khách nhận hàng hóa để vận chuyển khi lượng khách sụt giảm đáng kể.
"Dịch COVID-19 đi xe khách tôi cũng cảm thấy hơi lo vì sợ tiếp xúc nhiều người, nhưng đến lúc lên xe thấy khá bất ngờ, vì chỉ có một mình tôi một chuyến", bà Phạm Thị Đào (hành khách) vừa cười vừa nói.
Khách ít, không có đủ chi phí vận hành, nhiều nhà xe cắt giảm số lượng xe suất đi từ trên 10 tuyến xuống còn 5-6 tuyến/ngày.
Bảng danh sách hành khách đi xe của nhà xe Giao Thủy (Nam Định) chỉ có tên 1 vị khách.
Một số nhân viên lái xe, phục vụ khi được hỏi cũng tỏ ra ngán ngẩm trước khung cảnh trống ghế, vắng khách do dịch bệnh COVID-19.
Nhiều xe phải xuất bến trong tình trạng chưa đầy khách, hoặc chỉ mới kín 1/5 số ghế.
Sau một tiếng chờ đợi, đây là vị khách đầu tiên của nhà xe Hà Nội - Thanh Hóa.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lượng khách quá ít khiến nhiều doanh nghiệp vận tải liên tỉnh đến thời điểm này vẫn đang hoạt động cầm chừng.