Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

7 sai lầm của cha mẹ khi dạy con về tiền bạc

Các chuyên gia tài chính Mỹ nêu 7 thông điệp độc hại về tiền bạc do người lớn truyền cho trẻ.

Tiền là chủ đề cấm kỵ

Chuyên gia ngân sách Mỹ Andrea Woroch nhận định nhiều gia đình khó khăn, mắc nợ thường ngại nói về vấn đề tiền bạc vì sợ con cái lo lắng. Thậm chí, nhiều cha mẹ cho rằng đây không phải vấn đề cho trẻ tham gia.

"Bạn dạy con không nói về tiền, chính bạn đang hạn chế cơ hội để con học những điều quý giá về tiền bạc", chuyên gia nói. Tim Sheehan, nhà sáng lập công ty công nghệ Greenlight cũng nêu quan điểm tương tự.

Ông tin rằng những đứa trẻ không được cùng cha mẹ thảo luận về tiền sẽ không hiểu giá trị, ý nghĩa của đồng tiền và không biết cách quản lý tài chính hợp lý. "Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc giải thích tại sao người lớn chọn mua nguyên liệu nấu ăn thay vì đồ ăn nhanh", ông Sheehan khuyên.

Tiền luôn có sẵn

Ông Tim Sheehan khuyên người lớn nên giúp trẻ hiểu rõ tiền kiếm được từ sức lao động chứ không có sẵn hay đơn giản là "mọc trên cây".

"Bạn có thể cho con làm việc vặt trong nhà, điều này sẽ giúp chúng hiểu nếu làm việc thì sẽ có tiền". Quá trình này cũng giúp trẻ nâng cao tinh thần trách nhiệm và có thêm kinh nghiệm làm việc cá nhân, làm việc nhóm.

(Ảnh: Today's Parent)

Tài chính chỉ dành cho người lớn

Ngoài đề cập đến tiền bạc, nhiều cha mẹ không cho con quản lý tiền bạc, khiến trẻ thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chuyên gia tài chính Kim Kiyosaki gợi ý một số cách phù hợp để giúp trẻ có thêm kiến thức.

Ví dụ, cha mẹ có thể cho trẻ thực hành qua những "phi vụ" kinh doanh nhỏ trong phạm vi gia đình, hàng xóm như bán nước, quét dọn thuê. "Nếu con bạn muốn mua một món đồ mới, hãy để con tự tìm cách kiếm tiền mua chúng", bà Kiyosaki nêu. 

Nói chuyện tiền bạc gợi cảm xúc tiêu cực

Bà Michelle Clayman, thành viên Viện nghiên cứu định lượng, giải thích trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng cảm xúc bởi những người chăm sóc chúng. Các em thường chú ý đến những điều làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người lớn.

Nếu cha mẹ căng thẳng khi đề cập đến chuyện tiền bạc, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, nếu biết thừa nhận và quản lý cảm xúc khi nhắc đến tài chính, cha mẹ sẽ giúp con có suy nghĩ, thái độ lành mạnh hơn về vấn đề này.

Được phép mua sắm vô tội vạ

Bà Andrea Woroch tin rằng sai lầm lớn nhất nhiều cha mẹ gặp phải là chiều con, sẵn sàng mua cho con những gì chúng thích. "Nếu bạn liên tục mua cho con những thứ chúng đòi hỏi, bạn đang gián tiếp truyền cho chúng thói quen mua sắm bốc đồng".

Chuyên gia ngân sách khuyên cha mẹ nên biến việc mua sắm thành các buổi học về tài chính. Ví dụ, khi trẻ đòi một món đồ chơi, cha mẹ hãy nhắc lại mục đích đến cửa hàng, món đồ trẻ muốn không nằm trong danh sách ban đầu. Nếu trẻ thực sự cần món đồ đó, bạn có thể cân nhắc hoặc hứa tặng trẻ vào dịp sinh nhật, Giáng sinh. 

(Ảnh minh hoạ: Kiplinger)

Mất thời gian tìm mua những món đồ rẻ 

Bà Andrea Woroch cho rằng nhiều gia đình đang bỏ lỡ cơ hội tốt để dạy con quản lý tiền bạc, tiết kiệm chi tiêu. Cha mẹ có thể hướng dẫn con đưa ra các quyết định mua sắm sáng suốt hơn.

Ví dụ, cùng một món đồ, cha mẹ hãy cùng con tìm những sản phẩm giá phải chăng hơn. Thậm chí, trẻ có thể tìm kiếm phiếu mua hàng hoặc mã mã giảm giá trực tuyến để tiết kiệm tiền. "Bạn cũng có thể biến mua sắm thành một trò chơi, yêu cầu trẻ tìm những món đồ rẻ hơn và giữ lại biên lai mua sắm để so sánh", bà Woroch khuyên.

Tiết kiệm là tất cả

Tiết kiệm tiền là điều quan trọng, nhưng cha mẹ không nên xem đó là điều duy nhất cần làm. "Thay vì tiết kiệm, tại sao bạn không dạy con cách phát triển số tiền chúng kiếm được?", bà Kiyosaki đặt câu hỏi. Chuyên gia tài chính khuyên các gia đình nên dạy trẻ hiểu về các kiến thức tài chính như quỹ tương hỗ hoặc cách phát triển một doanh nghiệp nhỏ.

Nguồn:

Tin mới