Cởi mở về nhu cầu của bản thân
Một mối quan hệ bền vững là phải có sự cân bằng giữa cho đi và nhận lại. Hầu hết, chúng ta có xu hướng đặt nhu cầu và mong muốn của đối tác lên hàng đầu. Nhưng cứ luôn hy sinh thực chất có thể gây hại cho bạn sau này và không có lợi gì cho một mối quan hệ lâu dài.
Nếu bạn cảm thấy nửa kia của mình nên đóng góp nhiều hơn, hãy nói lên cảm xúc của bạn về những gì bạn cần ở họ. Và tất nhiên, hãy nhớ thỏa hiệp khi cần thiết.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng người ấy không có khả năng đọc suy nghĩ. Họ có thể cũng không tinh tế để hiểu được các ám chỉ, dấu hiệu mà bạn thể hiện. Do đó, tốt nhất là thể hiện những nhu cầu của mình bằng lời nói, một cách thẳng thắn thay vì úp mở, vòng vo. Ở hướng ngược lại, bạn cũng nên khuyến khích đối phương làm điều tương tự.
Đừng ngại chia sẻ những nhu cầu của bản thân với đối phương. (Ảnh minh họa)
Giao tiếp trung thực
Chất lượng giao tiếp tỷ lệ thuận với chất lượng một mối quan hệ. Giao tiếp trung thực, thẳng thắn trong một mối quan hệ lâu năm sẽ giúp cả hai hiểu nhau hơn. Đó cũng là thứ giúp cả hai kết nối sâu sắc hơn và giải quyết các vấn đề trước khi chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Bạn và nửa kia buộc phải tìm cách để luôn trao đổi cởi mở và trung thực về cảm xúc của bản thân. Nếu không có một kênh giao tiếp cởi mở như vậy, cơ hội để chuyện tình lâu năm của bạn trở nên bền chặt là rất mong manh.
Một phần rất quan trọng của quá trình giao tiếp là nghệ thuật lắng nghe. Để giao tiếp hiệu quả với người ấy, hãy học cách nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn.
Chấp nhận cãi vã
Việc đặt kỳ vọng vào một tình yêu chỉ toàn màu hồng và những phút giây hạnh phúc mà không có xung đột, cãi vã là điều không tưởng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu sau 3 năm yêu nhau mà một cặp đôi không cãi nhau thì đó là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh.
Cãi nhau là một phần của mối quan hệ lành mạnh. (Ảnh minh họa)
Xung đột được định sẵn là sẽ xảy ra trong bất kỳ mối quan hệ nào dù là tình yêu, gia đình, bạn bè… vì vậy học cách chấp nhận xung đột và rút kinh nghiệm từ những bất đồng là một kỹ năng rất quan trọng.
Đừng ngại phải đối mặt với những trận cãi nhau. Giải quyết những bất đồng nhỏ trong giai đoạn đầu khi nó vừa chớm nở có thể ngăn mâu thuẫn lớn dần và trở nên tệ hơn.
Học cách tha thứ
Cãi vã là hoàn toàn cần thiết, nhưng để một mối quan hệ phục hồi sau xung đột, cả hai cần hoàn thiện nghệ thuật tha thứ. Không phải tất cả các cuộc xung đột sẽ kết thúc trong một giải pháp hòa bình, nhưng ngay cả khi như vậy, điều quan trọng là phải học cách vượt qua những bất đồng, chấp nhận và tha thứ cho nhau.
Các mối quan hệ lâu dài và lành mạnh phát triển tốt hơn khi cả hai bạn có thể yêu đối phương bất chấp những khác biệt và bất đồng.
Tạo mục tiêu chung
Một điều vô cùng quan trọng là cả hai phải cùng chia sẻ những mục tiêu chung và cùng nhau hướng tới nó trong tương lai.
Để đi chung được đường dài thì cả hai phải có cùng mục tiêu chung. (Ảnh minh họa)
Hai bạn muốn cùng nhau du lịch đến Pháp hoặc muốn để dành tiền để mua một căn hộ chung? Thiết lập những điều mà cả hai cùng muốn theo đuổi để bạn và người ấy có thể hình dung ít nhất một phần nào đó về tương lai của mình khi ở cạnh nhau.
Tạo mục tiêu chung từ sớm có thể giúp kéo dài mối quan hệ bằng cách đảm bảo rằng cả bạn và người ấy đều có cùng quan điểm về những quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Thử những điều mới lạ
Một nỗi sợ hãi rất lớn và rất phổ biến trong bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào đó là sự bế tắc. Hầu hết những cặp đôi yêu nhiều năm đều trải qua những khoảng thời gian gần gũi và những khoảng thời gian xa cách, sẽ có lúc bạn và nửa kia cảm thấy bế tắc và chán chường với những thói quen hằng ngày của hai đứa.
Để thoát khỏi cảm xúc này, hãy thử điều gì đó mới với người ấy. Thử ăn ở một nhà hàng mới, cùng tham gia một hoạt động mới mà cả hai đều yêu thích... điều quan trọng là cả hai có thể giữ sự mới lạ trong mối quan hệ.