Theo bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội, ông Lê Hải Thương (SN 1978) khoe mình có khả năng xin việc, chuyển vùng công tác với nhiều người và hứa nếu không được sẽ trả lại tiền.
Tin tưởng cựu Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, nhiều người đưa tiền cho ông Thương, nhưng đều không được việc.
Một trong số này là chị Hoàng Thị T. (Cao Bằng). Cuối năm 2012, chị này muốn xin vào làm tại Thành ủy Cao Bằng nên đưa cho ông Thương 120 triệu đồng.
Sau khoảng thời gian chờ đợi nhưng không được gọi đi làm, chị T. đã đòi và được bị cáo trả lại tiền.
Đầu năm 2016, ông Thương tiếp tục gọi điện cho chị T., hứa sẽ xin được việc cho chị với chi phí 150 triệu đồng. Tuy nhiên, lần này ông T. chủ động viết giấy mượn tiền rồi “mất hút”.
Một nạn nhân khác là bà Hoàng Thị L. Năm 2015, bà đưa cho ông Thương 230 triệu đồng để nhờ xin việc vào cơ quan nhà nước cho 3 người cháu. Bà L. sau đó phải “ngậm đắng” khi cháu không xin được việc mà cũng chẳng đòi lại được tiền.
Kết quả điều tra cho thấy, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2018, ông Thương đã chiếm đoạt tổng cộng 3,65 tỷ đồng của 28 người. Số tiền kiếm này, ông Thương dùng vào mục đích cá nhân.
Năm 2019, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm án phí.
Đến nay, ông Thương mới trả lại 618 triệu đồng cho các bị hại.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bị cáo giữ chức vụ Phó trưởng ban tổ chức Thành ủy từ năm 2015, đến tháng 1/2019 mới bị cách chức nên các bị hại mới tin tưởng và đưa tiền.
Đại diện VKS đề nghị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng cho bị cáo. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét trong phạm vi kháng cáo, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Thương không xuất trình thêm tài liệu mới, do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo.
Clip: Cảnh báo chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội