Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2020 không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19. Theo đó, lượng gạo xuất đi trong thời gian trên đạt 929.000 tấn, trị giá hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ 2019.
Trung Quốc là nước tiêu thụ gạo Việt lớn nhất với hơn 7,8 triệu tấn trong 5 năm qua. (Ảnh: Moit)
Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, đạt 357.000 tấn, tương đương 155 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 23% về kim ngạch.
Iraq là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 với 90.000 tấn, tương đương 48 triệu USD.
Malaysia xếp thứ ba khi tăng 149% về lượng và tăng 128% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 10% trong tổng lượng và chiếm 9% trong tổng giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Đáng chú ý là xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và tăng 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng mua gạo từ Việt Nam sau 2 năm trầm lắng theo các chuyên gia là do năm 2020 dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc giảm khoảng 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, có tác động không nhỏ đến lưu thông hàng hóa toàn cầu và người dân có tâm lý tích trữ lương thực.
Hai thị trường nhập khẩu gạo Việt lớn nhất là Trung Quốc với khoảng 7,8 triệu tấn, Philippines với 5,1 triệu tấn.
Vẫn theo Tổng cục Hải quan, 5 năm trở lại, Việt Nam xuất khẩu 29,5 triệu tấn gạo. Hai thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc với khoảng 7,8 triệu tấn, Philippines với 5,1 triệu tấn.
Đáng nói, giá lúa gạo của Việt Nam xuất đi trong 5 năm của Việt Nam thay đổi rất ít, chỉ dao động quanh từ 9,9 triệu đồng/tấn lên đến hơn 11 triệu đồng/tấn.
Đề nghị hoãn việc dừng xuất khẩu gạo
Ngày 24/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị tạm dừng thực hiện thông báo 121/TB-VPCP ngày 23/2 thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Thủ tướng chủ trì ngày 23/3.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp,
Bộ Công Thương cho biết, việc tạm dừng là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp. Do đó, việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.
Đề xuất của Bộ Công Thương đưa ra khi trước đó một ngày, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Thủ tướng chủ trì ngày 23/3.