Isabelle Lux, làm nghề sáng tạo nội dung 32 tuổi đến từ Palm Beach (Florida, Mỹ), cho biết cô rất sợ hãi khi ngồi trên ghế chờ tới lượt thực hiện thủ thuật Barbie Botox - 40 đơn vị chất độc thần kinh được tiêm vào mỗi cơ thang nâng đỡ phần cổ. Mục đích của Lux là sở hữu bờ vai thon gọn để chuẩn bị cho đám cưới, cũng như giảm bớt chứng đau lưng trên.
“Tôi đã suy nghĩ trong suốt thời gian dài. Nếu thành công, điều này sẽ rất tuyệt và tôi nóng lòng được chia sẻ nó trên mạng xã hội. Nếu chệch hướng, tôi có thể cảnh báo mọi người. Vì vậy, về cơ bản, tôi nghĩ rằng dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ nói với mọi người. Tôi chỉ biết cầu nguyện mọi chuyện suôn sẻ”, cô nói với CNN.
Isabelle Lux tiêm Botox để có được bờ vai thon thả và chiếc cổ thon dài như búp bê Barbie. (Ảnh: TikTok)
Ban đầu, thủ thuật này được sáng tạo ra để hỗ trợ giải phóng cơ thang làm việc quá sức, gây ra chứng đau nửa đầu và căng cứng cổ. Giờ đây, mọi người sử dụng nó trong ngành công nghiệp thẩm mỹ, như một cách giảm số đo vai và kéo dài cổ. Hiện tại, nó là xu hướng làm đẹp hàng đầu trên TikTok.
Theo CNN, hashtag #Barbie Botox hiện có hơn 7 triệu lượt xem trên TikTok. Video mà Lux mô tả chi tiết trải nghiệm điều trị của chính cô hiện có hơn 250.000 (tính đến ngày 21/8) lượt xem. Cô tự nhận mình là người đặt ra cụm từ này.
“Nó xuất phát từ ý tưởng bạn sẽ trông giống búp bê Barbie hơn sau khi tiêm. Tôi không nghĩ điều này là xấu. Nó kéo dài cổ, làm thon gọn vai và tạo vóc dáng thanh tú nếu được thực hiện đúng cách.
Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này tiềm ẩn rủi ro sức khỏe lớn. Bà Parisha Acharya, bác sỹ thẩm mỹ hàng đầu tại phòng khám thẩm mỹ y tế nổi tiếng ở London, Waterhouse Young, trả lời phỏng vấn qua điện thoại: “Khi Botox được tiêm vào cơ, nó sẽ dừng kết nối với dây thần kinh. Theo thời gian, nó dẫn đến sự suy yếu và tê liệt cơ”.
Theo bà Acharya, nếu tiêm không đúng cách hoặc sai liều lượng, Botox có thể làm tê liệt cơ bắp hoàn toàn. Chất độc thần kinh đôi khi cũng có thể di chuyển khỏi vị trí tiêm ban đầu, làm suy yếu kết nối thần kinh của các cơ xung quanh khác.
“Đặc biệt, nếu Botox ở quanh cổ, cần phải cẩn trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ngẩng cao đầu của bạn”, nữ chuyên gia cảnh báo.
Lux tiêu tốn 1.200 USD cho một lần sử dụng dịch vụ thẩm mỹ theo yêu cầu. Sau khi hoàn thành, cô được nhắc nhở không đeo ba lô nặng, tập thể dục cường độ cao và massage trong ít nhất 72 giờ.
“Tôi khá sợ hãi. Một khi đã sử dụng Botox, bạn sẽ không thể làm gì để vãn hồi. Trong tuần đầu tiên, tôi cảm thấy rất đau, căng cứng ở cổ, vai và lưng trên. Tôi thực sự rất lo lắng”, cô kể.
Hai tháng trôi qua, Lux cho biết cảm thấy tốt hơn bao giờ hết. Cô còn lên kế hoạch cho đợt tiêm bổ sung vào mùa đông.
Thẩm mỹ bằng phương pháp Barbie Botox có thể gây hại cho sức khoẻ. (Ảnh: TikTok)
Tuy vậy, nữ TikToker khẳng định không thể chủ quan nếu muốn áp dụng phương pháp này. Cô khuyên mọi người phải đến gặp bác sĩ đúng chuyên môn và có kinh nghiệm về phương pháp Barbie Botox để tránh hậu quả ngoài ý muốn.
Bác sỹ Acharya đồng tình với ý kiến trên. Bà cũng bày tỏ quan ngại khi Barbie Botox lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt khi nó thu hút sự chú ý của những người dùng mạng nhỏ tuổi.
“Tôi nghĩ một thủ thuật y tế nên được coi là thủ thuật y tế. Ở Anh, ngành thẩm mỹ không được kiểm soát. Điều đáng sửng sốt là bất cứ ai cũng có thể tiêm độc tố botulinum. Đó có thể là một thợ làm đẹp hoặc làm tóc không có kinh nghiệm lâm sàng, không có kiến thức về giải phẫu. Tôi thực sự thấy lo lắng”, bà nhấn mạnh.
Thị trường can thiệp thẩm mỹ lên khuôn mặt bằng cách tiêm trên toàn cầu được dự đoán tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2032. Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế, các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như Botox và chất làm đầy đã tăng 54,4% kể từ năm 2017.
Bất chấp nguy hiểm tiềm tàng, Lux tuyên bố theo đuổi thẩm mỹ để có những đường nét giống búp bê và vóc dáng thanh thoát không nên bị lên án. Quan điểm này khiến cô bị một số cư dân mạng chỉ trích là thành phần chống nữ quyền, dễ dao động, thậm chí là “nạn nhân của chế độ phụ hệ”.
“Mong muốn có vẻ ngoài theo hình mẫu nhất định trong nhiều thế kỷ đã bị coi là ngớ ngẩn, lãng phí thời gian, tiền bạc và vô nghĩa, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng khi đàn ông muốn nhìn theo một cách nào đó, điều đó thật khoa học và tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần ngừng coi thường phụ nữ vì những điều họ quan tâm, bao gồm cả việc sở hữu vẻ ngoài theo cách họ muốn. Nó không ngớ ngẩn. Nó là thật”, ngôi sao mạng xã hội phản bác.
Trong khi đó, bác sỹ Acharya bày tỏ không thích xu hướng làm đẹp sử dụng hình tượng Barbie để đề cao việc cần phải có chiếc cổ thon dài. “Chúng ta nên làm chủ chính mình cho dù chúng ta là ai”, bà kêu gọi.