Mất thời gian là điều nhiều bạn trẻ đang sử dụng Tiktok mắc phải mà không nhận ra. Chỉ cần mở ứng dụng, hàng trăm ngàn nội dung liên tục chạy phục vụ khán giả. “Đọc sách, xem phim rất dễ buồn ngủ nhưng xem TikTok mắt em mở thao láo, có những hôm em xem tới 3h sáng lúc nào không biết”, Ngọc Anh (Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ.
Nhiều nội dung được chia sẻ trên TikTok khiến người xem rợn người.
Những thông tin độc hại phát tán mạnh trên TikTok
Không dừng lại ở những trò đùa nhảm nhí, vô bổ gây khó chịu như: Đi chợ với 5000 đồng, mặc áo khoe chân ngực, ghép nhạc khoe ảnh đi tù…, TikTok còn khiến cho người dùng có những trải nghiệm khủng khiếp.
Hồi tháng 8/2022, TikTok lan truyền trào lưu nhốt doạ ma trẻ nhỏ (nhốt con trong phòng tối, bật những tiếng cười quỷ quái, khiến trẻ sợ hãi rồi cha mẹ bỏ chạy) khiến nhiều người bàng hoàng chỉ trích. Những đứa trẻ bất ngờ bị nhốt trong phòng tối la hét, khóc lóc van xin còn người lớn lại thích thú chia sẻ lên TikTok như một nội dung hài hước. Trào lưu dọa ma trẻ em cực kỳ tàn nhẫn nhưng nhiều bậc cha mẹ lại háo hức làm theo.
Một trang TikTok có hơn 600.000 người theo dõi, hơn 18 triệu lượt like bên cạnh những video phản ánh hiện thực cuộc sống (tệ nạn lừa đảo việc làm, bảo hiểm, bạo lực học đường…), còn khai thác những vụ án, những câu chuyện kinh dị khiến người xem rợn người.
Chủ đề tình dục, những vụ thảm sát, những câu chuyện mê tín dị đoan…là đề tài được nhiều TikToker lựa chọn khai thác thu hút người xem khủng. Không khó nhận ra, nhiều người đang tìm nhiều cách lách luật, bằng cách sử dụng âm thanh, viết tắt, để né tránh “bay kênh”.
Một kênh TikTok khác lại sử dụng cách dùng công nghệ AI để tạo nên những nhân vật ảo nhưng minh họa lại những câu chuyện có thật và có kết luận của cơ quan chức năng. Câu chuyện nữ sinh Nguyễn Thị Trầm Linh tự tử vì bạo lực học đường, chuyện bé Vân An – cô bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết... đều được nạn nhân là do công nghệ Al tạo ra kể lại một cách chi tiết. Đáng chú ý, những tình tiết chết chóc được kể lại tỉ mỉ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Mục đích của những clip này là gì? Hay để cứa thêm một nhát dao nữa vào trái tim của những người ở lại? Mạng xã hội như TikTok cùng với tốc độ lan truyền chóng mặt đang tiếp tay cho hành vi man rợ này.
Tốc độ lan truyền và những tính năng, ưu thế vượt trội của TikTok mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dùng nhưng với những thông tin độc hại, thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…cũng được phát tán và tác động lớn đến người dùng đặc biệt là thế hệ trẻ.
Những trò giật gân, trào lưu phản cảm lại dễ dàng lên xu hướng, nhiều người dùng bắt chước. Những thông tin bịa đặt như Hoa hậu Tiểu Vi hẹn hò cùng doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, hợp đồng hôn nhân của Trấn Thành và Hariwon, hay cơ quan điều tra đã có kết luận vụ việc những nghệ sĩ như Thuỷ Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng không ăn chặn từ thiện nhưng vẫn bị thêu dệt, xuyên tạc trên TikTok và nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
thayphuc.jpeg
“Lập kênh TikTok với nội dung sạch khó thu hút người xem, tuy nhiên đó sẽ là những khán giả có chọn lọc, có trình độ và sẽ gắn bó lâu dài với bạn”
TikToker Thầy Phúc
Tháng 7/2022, tại Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng xảy ra một vụ cháy. Một tài khoản đã chia sẻ lại video về vụ cháy cùng bình luận "Cứu hỏa Đức Trọng đi cho có lệ. Vậy cũng lấy 100 củ". Người này cho rằng lực lượng PCCC & CNCH nhận chi phí 100 triệu đồng của người dân sau khi chữa cháy.
Cơ quan chức năng đã làm rõ, nội dung trên hoàn toàn sai sự thật, xúc phạm uy tín của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Lâm Đồng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với người tung thông tin sai lệch trên.
Không dừng ở đó, một số người dùng lợi dụng mạng TikTok để chia sẻ những luận điệu xuyên tạc, chống phá đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết.
Cần thiết lập "lằn ranh đỏ" với TikTok
Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa chia sẻ năm nay anh 44 tuổi và vẫn mê TikTok. Trước khi đi ngủ anh đều lướt TikTok theo chủ đề mà anh quan tâm.
“Nhưng đôi lúc những clip xu hướng có hiện lên trên màn hình, đó đa phần là những trò gây sốc hoặc tin giật gân, chẳng hạn như các trò dạy cách chơi trò chơi mạo hiểm, hoặc ăn thùng uống vại hoặc ăn những đồ ăn lạ, mất về sinh…, dù biết là chúng nhảm nhí, nhưng đôi khi vì tò mò nên tôi vẫn xem".
Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, là người có bản lĩnh, kiến thức và hiểu biết, anh biết chắt lọc thông tin nhưng còn những bạn trẻ kinh nghiệm ít, những người nhận thức kém họ sẽ tin ngay. Những tin giả, tin sai khiến giới trẻ có cái nhìn lệch lạc, sai trái về con người, xã hội, đất nước.
Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa
“Tôi nghĩ, việc rà soát, hạn chế thậm chí nghiêm cấm những người, những kênh thông tin đưa tin sai sự thật, cổ vũ những hành động phản cảm, hoặc xu hướng ảnh hưởng đến sức khỏe, tư duy của thế hệ trẻ cần được thực hiện”, Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Trả lời phóng viên VTC News, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn - chuyên gia truyền thông chiến lược và xử lý khủng hoảng, Chủ tịch sáng lập Berlin Crisis Solutions (BCS) chia sẻ ông có hai tài khoản TikTok, một tài khoản của Việt Nam và một tài khoản của Đức. Tình trạng chung là đều “hổ lốn” và nhảm nhí nhưng theo cảm nhận của ông, TikTok Đức có sự gạn lọc hơn, “đỡ xàm xí” hơn.
Ông nhấn mạnh những tác động tích cực mà TikTok mang lại cho người dân Việt Nam: “TikTok trao quyền cho tất cả mọi người được nói lên tiếng nói họ: người khuyết tật cũng được nói, người bán hàng, người lái xe ôm…đều được bày tỏ suy nghĩ cảm xúc mình. TikTok cũng là kênh bán hàng hiệu quả, là cần câu cơm chính đáng của nhiều người dân hiện nay. Tuy nhiên, TikTok cũng đang lan truyền rất nhiều thông tin độc hại".
Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn đề nghị cần thiết lập "lằn ranh đỏ" với TikTok
"Người dùng của TikTok đa phần là những người trẻ, những nội dung sai lệch đặc biệt là về văn hoá sẽ khiến họ bị sai lệch chuẩn mực sống. Những sai lệch này nếu không được điều chỉnh kịp thời cũng có thể là thảm kịch đối với một xã hội đang phát triển.
Hơn 1 thế kỉ trước, cha đẻ ngành xã hội học ông Émile Durkheim từng nói rằng trong một xã hội thiếu chuẩn mực, con người thường xuất hiện hiện tượng anomie (một trạng thái “vô chuẩn mực”). Con người thiếu niềm tin lẫn nhau, mỗi cá nhân sẽ quay cuồng trong việc tìm một thần tượng để đi theo, học theo và sẽ ra sao nếu thần tượng của họ lệch chuẩn? Có vẻ như TikTok đang tạo ra hiện tượng anomie như vậy! Nhìn chất lượng các idol cực kì tệ”, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn bày tỏ.
Về lâu dài, ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh nếu không kịp thời điều chỉnh, những nội dung độc hại trên TikTok sẽ gây nên những hệ luỵ lâu dài và nghiêm trọng. “Thật nguy hiểm nếu không có những biện pháp quản lý phù hợp, sẽ thế nào nếu những thông tin sai lệch về chủ quyền dân tộc, lịch sử bị lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội?”, ông nói.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn chia sẻ quan điểm: “Cần thiết lập lằn ranh đỏ với TikTok, phải có những chế tài quản lý TikTok, phải đưa ra những yêu cầu cụ thể, buộc họ tuân theo. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì xử lý nghiêm" - chuyên gia Lê Ngọc Sơn chia sẻ.