Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lời dạy chỉ tác động về mặt lý thuyết, TikTok đánh thẳng vào cảm nhận của trẻ

(VTC News) -

Cảm nhận của giới trẻ tốt hơn người lớn nhiều trong khi những lời dạy của bố mẹ, thầy cô chỉ tác động về mặt lý thuyết, TikTok tác động thẳng vào cảm nhận của trẻ.

Những bản nhạc chế, thơ chế xuyên tạc, xúc phạm lịch sử dân tộc lan truyền với tốc độ chóng mặt trên TikTok và được một bộ phận giới trẻ hướng ứng. Điều này khiến rất nhiều người bức xúc. Phóng viên VTC News đã có trao đổi với Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương về vấn đề này.

-  Mới đây, trên TikTok, xuất hiện bài nhạc chế bài thơ Lượm với ca từ miệt thị, bóp méo hình tượng lịch sử, tạo nên trào lưu với hàng trăm clip phản cảm gây bức xúc dư luận. Ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?

Bài nhạc chế này đã làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của bài thơ khi bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh người thiếu niên dũng cảm làm công tác liên lạc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng, nó kéo theo nhiều hệ luỵ khi trở thành xu hướng với những đoạn clip phản cảm.

Trào lưu này không chỉ làm lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ về văn hoá, lịch sử mà nó còn xúc phạm, chạm thẳng vào nỗi đau của nhiều gia đình có người thân hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây là trào lưu không thể chấp nhận được.

Chúng ta thấy được hệ luỵ nghiêm trọng từ trào lưu này nhưng giới trẻ không nhận thức được điều đó. Các em không hiểu được ý nghĩa lịch sử của bài thơ, không có cảm giác lấn cấn khi chạm vào nỗi đau của người khác mà cho rằng đó chỉ là những đoạn clip vui, vô thưởng vô phạt.

Điều này cho thấy môi trường giáo dục của chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề. Giới trẻ không có cái nhìn đúng đắn về lịch sử, thiếu lòng biết ơn với thế hệ đi trước bởi việc giáo dục lịch sử tại nhà trường dường như vẫn bị xem nhẹ.

Chúng ta kỳ vọng vào những tiết học lịch sử sẽ giáo dục các con về lòng yêu nước, yêu thương đồng bào,... nhưng những tiết học đó có được coi trọng không? Khi môn lịch sử trong suy nghĩ của chính những người làm giáo dục vẫn chỉ là môn phụ?

Hơn nữa, các trường học hiện nay chỉ quan tâm đến việc bổ sung kiến thức cho các con mà không để ý đến các vấn đề rèn luyện đạo đức, trau dồi kĩ năng. Rất nhiều trường học quảng cáo là có quan tâm đến hoạt động, kĩ năng nhưng rõ ràng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức, chúng ta bỏ qua khá là nhiều. Bỏ qua ở những chuyện trước đây đã làm nhưng bây giờ coi thường.

Vì dụ, ngày xưa, hạnh kiểm là thước đo về mặt đạo đức đối với học sinh. Chúng ta xét hạnh kiểm rất cẩn thận, học sinh vì sợ hạnh kiểm không đẹp, biết giữ gìn hành vi của mình rất nghiêm túc, không bị lôi kéo theo các tệ nạn xấu. Nhưng nay, hạnh kiểm chỉ còn là thủ tục, vì thế, các em không biết thế nào là chuẩn mực đạo đức. Hay một ví dụ khác là những nội quy nhà trường được xây dựng để hình thành nếp sống, phẩm chất đạo đức cho các em nhưng đôi khi lại bị cộng đồng mạng đem ra phán xét, phê phán.

Chính những điều này có tác động không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ ở trong nhà trường. Vì thế những trào lưu độc hại, nguy hiểm xuất hiện và lan toả ngày càng nhiều.

Những trào lưu nhạc chế độc hại trên TikTok.

- Từ trào lưu nhạc chế này, có thể nhận thấy rõ ràng nội dung độc hại trên TikTok vẫn không ngừng tăng lên, được lan truyền một cách chóng mặt. Theo chị, lý do gì dẫn đến tình trạng trên?

Đúng vậy, nội dung trên TikTok, đặc biệt những mảng nội dung liên quan đến Việt Nam thì hầu hết không nhiều nội dung có giá trị về mặt giáo dục. Trong khi đó lại tràn ngập các sản phẩm tiêu cực, nhảm nhí, độc hại.

Giới trẻ liên tục tiếp cận với sản phẩm văn hóa không lành mạnh trên không gian mạng. Trước trào lưu nhạc chế bài thơ Lượm đã có rất nhiều trào lưu độc hại khác như hướng dẫn các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử, nói dối bố mẹ như thế nào đó để mua thuốc lá điện tử, hướng dẫn các bạn trẻ xem phim nóng, xử lý các tình huống khi bố mẹ phát hiện ra hành vi xấu mình làm, kích động trẻ bạo lực,…thậm chí còn có nội dung hướng dẫn trẻ em tự tử.

Bên cạnh đó, cũng có những nội dung vô thưởng vô phạt nhưng thông điệp truyền tới đôi khi lại trở thành độc hại. Chẳng hạn có những nội dung lên án, đả kích sự miệt thị người khác, thông điệp rất tốt nhưng diễn viên trong video lại thể hiện hơi quá đà. Ví dụ như nhân vật phản diện miệt thị bằng ngôn ngữ tục tĩu, thái độ hung hăng lại trở thành mẫu hình khiến trẻ bị ảnh hưởng.

Những thông điệp cực kỳ độc hại như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm với giới trẻ. Tất cả nội dung độc hại như thế đã tồn tại quá lâu rồi. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý triệt để, quyết liệt thì chắc chắn giới trẻ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

-Những nội dung độc hại vì sao lại dẫn tới những tác động mạnh mẽ với giới trẻ, thậm chí là tới mức thao túng cả hành vi, nhận thức của họ?

Chúng ta luôn hướng thiện nhưng nếu sống trong một môi trường quá ít thông tin tốt đẹp mà tràn ngập những thông tin xấu độc thì tất yếu, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Đặc biệt là bộ phận giới trẻ, chưa có kiến thức, kinh nghiệm đầy đủ trong việc tiếp thu tri thức, chọn lọc thông tin.

Cùng với đó, phải nhìn nhận rằng, giới trẻ bị nghiện, bị cuốn hút theo những video trên TikTok bởi cuộc sống của các em quá nhàm chán. Các em chỉ đi học, về nhà, hưởng thụ,.. ngày này qua ngày khác, kéo dài liên tục trong 9 tháng, đến hè thì hơi khác một chút nhưng vẫn sẽ lặp lại.

Trong khi đó, các hoạt động động xã hội, khám phá, hướng nghiệp,... cho trẻ cũng không nhiều. Một số gia đình có thể cho con tham gia câu lạc bộ, các lớp thể thao,… nhưng tỷ lệ không cao. Các con có hào hứng với các hoạt động đó không, chúng ta không biết. Vậy nên, khi có một cái gì đó nằm ngoài những quy trình hàng ngày như các video, trào lưu thay đổi liên tục trên TikTok sẽ hấp dẫn và cuốn hút các bạn hơn.

Hơn nữa, cảm nhận của giới trẻ tốt hơn người lớn rất nhiều. Nên nếu tạo ra những sản phẩm đánh vào cảm nhận thì ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. So với những lời giảng dạy của bố mẹ, thầy cô chỉ tác động vào mặt lý thuyết thì những video TikTok tác động thẳng vào cảm nhận của trẻ. Cho nên việc các em bị nghiện và phụ thuộc vào các nội dung TikTok là chuyện bình thường.

Chúng ta trách những người sáng tạo nội dung của nền tảng này một phần thì bản thân cũng phải nhìn lại. Nếu các con được vui chơi, tham gia hoạt động, có nhiều mối quan tâm khác, sẽ không có thời gian, điều kiện để tiếp xúc với những nội dung xấu độc thì chắc chắn dù có tồn tại, chúng cũng chẳng thể tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các con.

Bên cạnh đó, một số gia đình cũng quá quan tâm thành tích, điểm số, cách thể hiện của giới trẻ, thể diện của gia đình trong khi những giá trị thực như đạo đức, kĩ năng thì có thực sự quan tâm hay không? Chúng ta tạo nền tảng cho con mình như thế nào, có nhận diện được các vấn đề để các con có đủ năng lực nhận diện hay không? Điều dễ nhận thấy bây giờ, đạo đức xã hội xuống cấp ảnh hưởng đến giới trẻ.

Ba lực lượng quan trọng nhất để giáo dục giới trẻ là nhà trường, gia đình và xã hội thì cả 3 đều đang có nhiều bất cập, chắc chắn giới trẻ sẽ có cái nhìn, cái đánh giá lệch lạc, do vậy các em sẽ dễ dàng bị tác động bởi thông tin xấu, độc hại mà không thể tiếp nhận thông tin tốt.

Những nội dung xấu, độc vẫn xuất hiện tràn lan trên TikTok.

-  Theo chị, làm thế nào để tạo hàng rào bảo vệ trẻ trước những nội dung độc hại trên TikTok?

Tôi nghĩ biện pháp cấm TikTok tuyệt đối ở Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc vào các nhà quản lý. Tuy nhiên điều quan trọng số 1, chúng ta phải tìm mọi cách để hạn chế những thông tin độc hại ảnh hưởng đến giới trẻ, không phải chỉ riêng TikTok mà cả các mạng xã hội khác.

Từ phía các cơ quan chức năng là hạn chế và kiểm duyệt nội dung bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ như hạn chế độ tuổi sử dụng, hạn chế hoạt động, nội dung, hạn chế thời gian kết nối TikTok ở Việt Nam. Hoàn toàn có thể sử dụng thuật toán để loại bỏ các nội dung xấu, có thể không được 100% nhưng sẽ giảm được phần nào tỉ lệ nội dung độc hại.

Tôi nghĩ các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể làm được, đặc biệt khi họ có thể chứng nhận những ảnh hưởng của TikTok gây hại cho giới trẻ Việt Nam, yêu cầu mạng xã hội này chấp hành theo đúng quy định về pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, về phía gia đình, nhà trường yêu cầu giới trẻ rời xa tất cả các thiết bị điện tử cũng như các kênh đó trước khi các em có đầy đủ kiến thức, kĩ năng để sử dụng một cách thông minh nhất. Tức là lứa tuổi sử dụng phải muộn, không được sớm. Lứa tuổi nào phù hợp thì còn phụ thuộc vào nghiên cứu của các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội.

Thứ ba, giới trẻ phải được xây dựng cuộc sống nhiều màu sắc, nhiều hoạt động, nhiều trách nhiệm với cộng đồng hơn nữa. Nếu chúng ta có thể thực hiện các điều này, tôi tin rằng giới trẻ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu độc.

Lê Chi

Tin mới