Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xóa sổ thói quen xấu của V-League: Trọng tài cứng rắn liệu có đủ?

(VTC News) -

Việc các trọng tài xử lý mạnh tay lỗi phản ứng là điều cần thiết để xóa bỏ thói quen xấu của cầu thủ Việt Nam.

Vòng 2 V-League 2021 có hai tấm thẻ đỏ của Thái Bá Sang (Sông Lam Nghệ An) và Kelly Kester (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh). Cả hai cầu thủ này đều bị đuổi khỏi sân sau khi nhận thẻ vàng thứ hai vì lỗi phản ứng.

Cũng ở vòng đấu diễn ra cuối tuần trước, HLV Alexandre Polking trở thành HLV trưởng đầu tiên nhận thẻ ở V-League mùa này. Lý do cũng tương tự như hai cầu thủ kể trên và chính ông cũng thừa nhận rằng phản ứng của mình xứng đáng với một chiếc thẻ vàng.

Đó là những hình ảnh rất ít xuất hiện trong những mùa giải trước đây. Các "vua áo đen" trong hai vòng đấu đầu tiên của V-League 2021 đã thông qua những tấm thẻ phạt để truyền đi một thông điệp cứng rắn.

Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu rút thẻ đỏ cho Kelly.

"VFF và Ban trọng tài khuyến cáo các trọng tài làm như vậy để lập lại trật tự", Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền chia sẻ. Tỏ thái độ, vây trọng tài là điều thường xuyên xảy ra trên sân cỏ Việt Nam, từ các giải phủi đến ngay cả đấu trường chuyên nghiệp cấp cao nhất là V-League.

Khó trách các cầu thủ khi họ phản ứng lại quyết định sai của trọng tài dù việc làm này không đúng quy định. Nhưng dần dần, tình trạng này lại trở thành một thói quen rất xấu xí khiến khán giả nhìn vào chỉ thêm ngán ngẩm chứ chẳng thể thông cảm.

Không cần biết trọng tài thổi đúng hay sai, người bị phạt quay ra tỏ thái độ, thậm chí có thêm đồng đội vây quanh gây sức ép. Có những tình huống rất rõ ràng lại trở thành chủ đề gây tranh cãi vì phản ứng của cầu thủ, kéo theo những luồng quan điểm trái chiều của khán giả.

Áp lực từ sự phản ứng cũng là một trong những lý do khiến các trọng tài, đặc biệt là những người mới lên V-League chưa có nhiều kinh nghiệm, mất đi sự tự tin và quyết đoán trong những trận đấu căng thẳng. Điều đó dẫn tới sai lầm mà cuối cùng những người chịu thiệt trực tiếp vẫn là CLB, trong khi giải đấu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những hình ảnh không đẹp.

Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền chia sẻ: "Thói quen phản ứng tạo nên hình ảnh rất xấu và cũng khiến các trọng tài chùn tay. Cầu thủ vây lại, trọng tài không dám làm thì lại càng dở. Năm nay chúng tôi quyết liệt ngay từ đầu, cố gắng làm tốt".

Các đội bóng ở Việt Nam có thói quen phản ứng hoặc vây lấy trọng tài khi bị thổi phạt hoặc nhận quyết định bất lợi.

Từ những đợt tập huấn giữa mùa giải trước, các trọng tài đã được quán triệt xử lý mạnh tay với hành động phản ứng trên sân của cầu thủ, ban huấn luyện các CLB. VFF từng nhắc nhở các đội bóng về việc phản ứng với trọng tài, cả trong lẫn ngoài trận đấu. Bước vào mùa giải 2021, các "vua áo đen" bắt đầu cảnh cáo bằng hành động.

Việc trọng tài xử lý mạnh tay với các lỗi phản ứng nhận được sự ủng hộ của không ít người hâm mộ. Nhìn tấm gương của SLNA hay Hà Tĩnh, các đội bóng phải tự điều chỉnh. Những tấm thẻ đỏ như của Bá Sang hay Kester là điều mà các cầu thủ hoàn toàn có thể chủ động tránh được.

Tuy nhiên, sự cứng rắn của trọng tài trên sân cũng chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Để "lập lại trật tự" như lời ông Dương Văn Hiền, các trọng tài cũng phải giành lấy uy tín và sự tôn trọng vốn đã đi xuống rất nhiều vì những lỗi sai nặng ở mùa giải trước.

"Các trọng tài cố gắng làm tốt trên sân, hi vọng các đội bóng cũng cố gắng chấp hành", ông Dương Văn Hiền nói. Đi kèm với tuyên bố cứng rắn là cam kết làm tốt từ phía các "vua áo đen". Họ đã thực hiện vế đầu và các đội bóng cũng như người hâm mộ đang chờ đợi nửa còn lại.

Thói quen xấu xí của cầu thủ Việt Nam có thể sẽ tạm biến mất để ứng phó với án phạt nặng tay của người cầm còi. Dù vậy, tình trạng này vẫn có thể trở lại giống như cách nó hình thành, khi các trọng tài không làm tốt nhiệm vụ của mình để thuyết phục người chơi. 

Minh Ngọc

Tin mới