Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lee Nguyễn thi đấu thế nào trong ngày tái xuất V-League?

(VTC News) -

Lee Nguyễn không ghi bàn, không kiến tạo, nhưng đã để lại dấu ấn trong chiến thắng 2-0 của CLB TP.HCM.

Chỉ hai ngày sau khi hoàn thành thủ tục cách ly, Lee Nguyễn đã góp mặt trong đội hình xuất phát của CLB TP.HCM ở trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tối 24/1. 72 phút có mặt trên sân, tiền vệ Việt kiều không in dấu giầy vào bàn thắng, nhưng đã đóng góp đáng kể vào lối chơi của đội nhà. 

Video: Màn ra mắt của Lee Nguyễn 

Ý đồ của HLV Polking 

Lee Nguyễn được bố trí đá tiền vệ tấn công trong sơ đồ 4-2-3-1 của HLV Alexandre Polking. Bộ đôi Trần Thanh Bình - Ngô Hoàng Thịnh đóng vai trò đánh chặn ở giữa, trong khi bộ ba Lee Nguyễn - Dario Junior - Lâm Ti Phông đá tấn công ngay phía sau lưng tiền đạo Joao Paulo. 

HLV Polking có hai ý đồ khi sắp xếp Lee Nguyễn đá vị trí này. Trước tiên, việc để cựu cầu thủ New England Revolution đá nhô cao, thường xuyên hiện diện sát vòng cấm sẽ giúp Lee Nguyễn dễ dàng áp đặt tầm ảnh hưởng vào khâu ghi bàn hoặc kiến tạo.

Trong trận thua 0-1 trước SHB Đà Nẵng, bộ đôi Dario - Paulo lạc lõng so với phần còn lại. Sự hiện diện của Lee Nguyễn giúp tạo ra mối dây liên kết, giúp lối đá của CLB TP.HCM trơn tru hơn.

Lee Nguyễn được bố trí đá gần khung thành Hà Tĩnh. 

Thứ hai, vị trí tiền vệ tấn công sẽ giúp Lee Nguyễn tiết kiệm sức lực. Cựu sao HAGL mới tập luyện hai ngày sau hai tuần cách ly, nên càng ít di chuyển và tranh chấp, Lee Nguyễn càng duy trì được nền tảng thể lực đủ tốt để đối đầu với đội giỏi pressing và đá cực rát như Hà Tĩnh.

Để chắc chắn, HLV Polking để Thanh Bình, Hoàng Thịnh càn quét và bọc lót phía sau, giúp Lee Nguyễn được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự. 

Ý đồ của Polking không thành công, khi Lee Nguyễn rơi vào trạng thái đói bóng. Hàng tiền vệ Hà Tĩnh đã chơi tốt trong việc đeo bám, chia cắt Lee Nguyễn với phần còn lại.

HLV Phạm Minh Đức không áp dụng chiến thuật "1 kèm 1" như đã làm để phong tỏa Nguyễn Công Phượng trong trận gặp CLB TP.HCM mùa trước, mà các tiền vệ áo vàng sẽ thay nhau chặn đường chuyền hướng tới Lee Nguyễn và phạm lỗi khi cần. Trong hiệp 1, Lee Nguyễn có không dưới hai lần bị đốn ngã ở giữa sân. 

Ngoài ra, Hoàng Thịnh và Thanh Bình không phải mẫu tiền vệ giỏi chuyền bóng, kiến thiết, nên Lee Nguyễn không có đồng đội để phối hợp. Trong một pha chồng biên đơn giản, Lee Nguyễn phải giơ tay hướng dẫn đồng đội nên chuyền bóng, di chuyển như thế nào.

Lee Nguyễn bị theo kèm rất sát. 

Rất nhiều tình huống, Lee Nguyễn cầm bóng mà không biết chuyền cho ai. Anh điều bóng, giữ nhịp, nhưng đồng đội không di chuyển đúng thời điểm để nhận đường chuyền. Bị vây chặt và đồng đội không hiểu ý, Lee Nguyễn đơn độc, không để lại dấu ấn nào trong khoảng nửa giờ đầu tiên.

Tình huống tiêu biểu nhất cho màn ra mắt của Lee Nguyễn xuất hiện ở cuối hiệp 1. Tiền vệ mang áo số 24 đứng sát mép vòng cấm ở vị trí trống trải. Anh liên tục giơ tay xin bóng, nhưng người đồng đội là Thanh Bình quyết định vung chân sút thẳng. Tiền vệ của CLB TP.HCM xử lý tồi, khiến Lee Nguyễn không giấu được cảm xúc bực tức. 

Pha sút bóng nóng vội như của Thanh Bình xuất hiện không ít bên phía CLB TP.HCM. Đội bóng của HLV Polking không đồng đều về nhịp chơi, chưa hiểu ý trong các pha chạy chỗ, di chuyển không bóng, vẫn thi đấu kiểu "mạnh ai nấy đá". Tồn tại trong tập thể còn độ vênh về đẳng cấp, dễ hiểu khi Lee Nguyễn gần như mất hút trong hiệp 1.

Dấu ấn của Lee Nguyễn 

Lee Nguyễn gặp khó khăn, nhưng đã là vàng, chắc chắn phải lấp lánh. Đẳng cấp của tiền vệ đã ghi tới 57 bàn ở giải Nhà nghề Mỹ (MLS) vẫn được thể hiện, dù không có điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng.

Lee Nguyễn được HLV Polking khen đá tốt. 

Pha di chuyển thông minh giữa hai lớp phòng ngự Hà Tĩnh trước khi nhả bóng cho Dario dứt điểm (phút 20) là minh chứng cho khả năng của Lee Nguyễn. Ở pha bóng Thanh Bình bỏ lỡ ở phút 40, Lee Nguyễn cũng có pha giật lùi rất khôn ngoan, loại bỏ hoàn toàn tầm quan sát của các cầu thủ Hà Tĩnh.

Đó là những gì HLV Polking mong đợi: những pha xâm nhập, chạy chỗ hợp lý để tìm khoảng trống giữa lớp hậu vệ dày đặc mà HLV Phạm Minh Đức của Hà Tĩnh giăng ra. 

Lee Nguyễn (vòng tròn xanh) đứng ở vị trí rất thoáng giữa hai lớp phòng ngự Hà Tĩnh. 

Lee Nguyễn có thêm một tình huống đứng trống trải, nhưng đồng đội không hiểu ý để chuyền. 

Ngoài Lee Nguyễn, không còn cầu thủ nào trong đội hình xuất phát của CLB TP.HCM làm được điều này, khi Paulo đá cắm còn Ti Phông, Dario ưa thích những pha đi bóng từ biên vào trung lộ. Đến khi Võ Huy Toàn vào sân trong hiệp 2, HLV Polking mới có thêm một tiền vệ giỏi săn tìm khoảng trống.

Phút 49, Lee Nguyễn tiếp tục thể hiện được khả năng quan sát khi vung chân chọc khe qua 5 cầu thủ phòng ngự của Hà Tĩnh để Paulo đối mặt, nhưng tiền đạo của CLB TP.HCM khống chế lỗi khiến cơ hội trôi qua. 

Lee Nguyễn chọc khe qua 5 cầu thủ Hà Tĩnh để Paulo đối mặt. 

Việc Lee Nguyễn đá tốt trong hiệp 2 hơn so với hiệp 1 đến từ tấm thẻ đỏ của trung vệ Kelly Kester. Khi Hà Tĩnh mất một cầu thủ phòng ngự, HLV Phạm Minh Đức phải kéo một người khác lấp chỗ, khiến hàng tiền vệ đội khách mỏng đi.

Hà Tĩnh cũng lùi sâu về phòng ngự, không còn pressing quyết liệt giúp Lee Nguyễn có thêm không gian phát huy khả năng.

Với cầu thủ đá thiên về kỹ thuật như Lee Nguyễn, việc có không gian chơi bóng và thi đấu xung quanh những vệ tinh ăn ý là yêu cầu bắt buộc. CLB TP.HCM chưa thể cung cấp cho Lee Nguyễn điều này, khi các tiền vệ như Hoàng Thịnh, Thanh Bình hay Lê Sỹ Minh đều không ở đẳng cấp cao, thiếu quan sát trong di chuyển và phối hợp. 

Lee Nguyễn vẫn có những pha rê bóng, xử lý mượt mà, nhưng nhìn tổng thể, anh cần hệ thống chiến thuật phù hợp để "phát tiết", đồng thời phải có đồng đội hiểu ý để tận dụng tối đa khả năng. Câu hỏi Lee Nguyễn có tỏa sáng trong lần trở lại V-League này không, vì thế, không thể để một mình cầu thủ này trả lời.

Lee Nguyễn chỉ là một mảnh ghép chất lượng. Anh không phải cánh én đơn độc mang về mùa xuân cho CLB TP.HCM.

Hồng Nam

Tin mới