Theo The Guardian, một nhóm có tên là Tin tặc Myanmar đã làm gián đoạn việc truy cập các trang web bao gồm Ngân hàng Trung ương, trang True News Team của quân đội và đài truyền hình nhà nước MRTV. Đây được xem là một phần của phong trào bất tuân dân sự nhằm ngăn chặn chính quyền quân sự hoạt động.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Myanmar. (Ảnh: Getty)
Nhóm hack cho biết trên trang Facebook của mình rằng đang "đấu tranh cho công lý ở Myanmar". Trong khi đó hàng trăm nghìn người vẫn đang xuống đường phản đối cuộc đảo chính từ ngày 1/2.
Các tài xế dùng xe ô tô chặn nút giao thông trọng điểm, trong khi đám đông nhân viên ngân hàng, sinh viên, kỹ sư và nông dân tuần hành qua các đường phố, kêu gọi thả các chính trị gia.
Bà Aung San Suu Kyi, người bị quản thúc tại gia kể từ khi quân đội nắm chính quyền, đang phải đối mặt với hai cáo buộc. Bà đã ra hầu tòa và nếu bị kết án, điều này có thể khiến bà không thể tranh cử trong tương lai.
Theo The Guardian, các nhà chức trách Myanmar đã cố gắng ngăn chặn chiến dịch bất tuân dân sự bằng cách áp đặt lệnh cấm tụ tập, và đã bắt gần 500 người trong những tuần gần đây. Lệnh bắt giữ cũng được ban hành với 6 người nổi tiếng tại địa phương, những người đã khuyến khích các công chức tham gia cuộc biểu tình. Họ có thể phải đối mặt với bản án hai năm tù.
Quân đội kêu gọi các công chức trở lại làm việc và đe dọa có hành động đối với những người không làm như vậy. Tại cuộc họp báo hôm 16/2, một người phát ngôn cho rằng các cuộc biểu tình sẽ giảm bớt và phần lớn dân chúng ủng hộ cuộc đảo chính. Tuy nhiên, số lượng người tham gia biểu tình ngày 17/2 tăng lên.
Vào 13h ngày 18/2, quân đội Myanmar tiếp tục chặn internet, theo thông tin từ nhóm theo dõi internet NetBlocks. Quân đội nước này cũng cố gắng chặn các mạng xã hội như Facebook và Twitter, thường được người biểu tình sử dụng để tổ chức. Nhu cầu sử dụng mạng cá nhân ảo (VPN) tại Myanmar đã tăng 7.200% sau khi Facebook bị cấm ngày 4/2.
Chuyên gia an ninh mạng Matt Warren từ Đại học RMIT của Úc nói với AFP rằng những nỗ lực tấn công các trang web của chính phủ chủ yếu nhằm mục đích gây sự chú ý.
Ông nói: “Các loại tấn công mà họ sẽ thực hiện là tấn công chặn dịch vụ hoặc phá hoại các trang web được gọi là hacktivism. Tác động là không nhiều nhưng những gì họ đang làm đang gây sự chú ý".