Trong thông báo đưa ra hôm 28/10, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố đổi tên công ty thành Meta. Zuckerberg cho biết quyết định này là nhằm tới tương lai.
Meta - lấy từ thuật ngữ khoa học viễn tưởng metaverse (vũ trụ ảo), phản ánh tầm nhìn của Facebook trong việc biến mạng xã hội này thành trung tâm vũ trụ ảo.
“Chúng tôi tin metaverse sẽ là sự kế thừa của Internet di động. Chúng ta có thể cảm thấy hiện tại - giống như chúng ta đang ở ngay đó với mọi người dù chúng ta đang cách xa nhau”, Zuckerberg cho hay.
Vậy Metaverse là gì?
Video giới thiệu về Metaverse
Metaverse - nơi thế giới vật lý và kỹ thuật số kết hợp với nhau. Đó là không gian nơi nhân vật đại diện (avatar) của mọi người có thể tương tác tại nơi làm việc, giải trí, gặp gỡ tại văn phòng của nhau, đi xem hòa nhạc và thậm chí là thử quần áo. Với các tiến bộ về đồ họa thời gian tới, các avatar sẽ trông giống người thật hơn với các hình đại diện hoạt hình mà chúng ta đang thấy hiện nay.
Trung tâm của Metaverse là môi trường thực tế ảo - một thế giới kỹ thuật số mà bạn có thể bước vào thông qua tai nghe Oculus VR của Facebook.
Trong phát biểu hồi tháng trước, Nick Clegg - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook cho biết, Metaverse sẽ là loạt các thế giới liên kết với nhau, nơi người dùng có thể di chuyển từ khu vực của Facebook một cách dễ dàng sang một thế giới liền kề được tạo ra bởi các công ty công nghệ khác như Google, Apple hoặc một nhà xuất bản trò chơi điện tử lớn.
Metaverses có lẽ là sự thừa nhận rõ ràng nhất rằng tương lai của công nghệ không chỉ nằm ở VR (thực tế ảo) hoặc AR (thực tế ảo tăng cường), mà là sự kết hợp của nhiều thiết bị truy cập vào một thế giới trực tuyến - phiên bản 3D của Internet hiện tại. Ở đó, mỗi người có thể nhập vai và tham gia vào câu chuyện.
Zuckerberg tin tưởng trong thập kỷ tới hầu hết mọi người sẽ dành thời gian trong Internet phiên bản 3D trên các phần cứng như Oculus Quest và của hãng khác. Nắm bắt xu hướng đó, nhà sáng lập Facebook tập trung vào việc phát triển công nghệ cho phép mọi người xuất hiện trong các không gian ảo dưới dạng avatar toàn thân hay hiện diện ngay trong phòng khách của bạn bè ở khắp nơi trên thế giới dưới dạng hình chiếu 3D.
Metaverse là một thế giới ảo song song với thế giới thực. (Ảnh: VNNews)
“Một yếu tố quyết định của việc Metaverse hiện hữu là cảm giác mà bạn thực sự ở ngay bên cạnh một người khác hoặc tại một nơi khác. Những nhân vật đại diện và những đồ vật ảo sẽ là những yếu tố trung tâm về cách mỗi người thể hiện bản thân”, Zuckerberg cho hay.
Marc Whitten, phó chủ tịch cấp cao kiêm tổng giám đốc sáng tạo của Unity Software cho biết, với Metaverse, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia bằng cách thiết lập các phiên bản ảo của mình. Khách hàng có thể tới cửa hàng ảo này, xem, thử đồ ở chế độ 3D trước khi quyết định có mua nó hay không.
Ngoài ra, thế giới ảo của Metaverse cũng cho phép các nhà tuyển dụng tận dụng tối đa lợi ích mà không gian ảo này mang lại. Đơn cử như các kiến trúc sư có thể tới giám sát địa điểm thi công công trình thông qua Metaverse dù họ đang ở bất cứ đâu.
Theo Zuckerberg, vẫn còn một chặng đường dài phải đi cho tới khi Metaverse trở thành một công nghệ dòng chính sau 5-10 năm nữa. Công ty của Zuckerberg dự kiến sẽ đầu tư thêm hàng tỷ USD trong các năm tới để đẩy mạnh xây dựng Metaverse.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay với Metaverse là quyền riêng tư và bảo mật.
Facebook đã công bố một chương trình đầu tư 50 triệu USD để đảm bảo Metaverse được xây dựng có trách nhiệm.
Theo ông Clegg, sẽ mất 10 năm để xây dựng Metaverse. Nhưng câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu nó có xoa dịu được những lo ngại về vấn đề quyền riêng tư, bảo mật của công chúng, các cơ quan giám sát và chính phủ hay không.
Bất chấp các quan ngại, Metaverse vẫn được xem là một bước đi đột phá, đáng mong đợi của Facebook.